Nghệ thuật cho thiếu nhi, bao giờ mới “xông xênh”?

12 tháng trong năm, chỉ có hai dịp thiếu nhi được thưởng thức nghệ thuật “dành cho mình” và đó cũng là dịp “bội thực” các chương trình thiếu nhi của các đơn vị nghệ thuật.

Vẫn biết là cơ chế thị trường, nhưng tình trạng “nhặt, khoan” này của thị trường nghệ thuật dành cho thiếu nhi đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại và đưa ra giải pháp phù hợp.

“No dồn, đói góp”

Đến dịp 1/6 và Trung thu, cũng là lúc hàng chục chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, thi nhau ra mắt.

“Anh cả đỏ” trong làng nghệ thuật phía Bắc, luôn ưu ái những khán giả nhỏ của mình, cũng là đơn vị thường xuyên có các chương trình phục vụ thiếu nhi trong năm, chính là Nhà hát Tuổi trẻ. Năm nay, Nhà hát cho ra mắt 3 chương trình: Chương trình “Cổ tích cười - Chào hè 2016” của Đoàn kịch 1, bao gồm các vở diễn đã được yêu mến của đoàn như vở “Cậu bé khổng lồ lạc vào hang Kiến” (đạo diễn Vũ Minh), vở “Dế mèn phiêu lưu ký” (đạo diễn Bùi Như Lai) và vở “Ông lão đánh cá và con cá vàng” (đạo diễn người Đức Dominik Gunther); phục vụ miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các Trung tâm Bảo trợ xã hội và các trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội. 

Các chương trình thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ có chất lượng cao và được các em thiếu nhi yêu thích.

Đoàn kịch 2 cũng “vào cuộc” với vở kịch chuyển thể từ câu chuyện cổ tích đồng thoại “Ông Ba bị”, do đạo diễn Sĩ Tiến dàn dựng, với sự góp mặt của các nghệ sĩ Anh Tuấn, Tú Oanh, Bá Anh, Thanh Hòa, Du Ca, Mạnh Dũng, Diệu Hoa... Và cuối cùng, là chương trình ‘“Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 3”, với sự hỗ trợ của SHB, đã mang 3.000 vé miễn phí tới cho các em nhỏ Thủ đô cũng như các em nhỏ ở khu vực miền Trung. “Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 3” là câu chuyện kể về chuyến phiêu kỳ thú của công chúa Sophia và các bạn nhỏ trong thế giới cổ tích xoay quanh các nhân vật: Công chúa Sophia, Minion, gấu Panda, Thỏ, cáo, Aladin, Thần đèn... cùng nhau xây dựng một Công viên hoạt hình cho các bạn nhỏ.

Là một trong những đơn vị tổ chức chương trình hàng đầu khu vực phía Bắc, Đông Đô Show hè này cũng cho ra mắt 3 chương trình:"Cô Tấm và cuộc Phiêu lưu diệu kỳ - Biến hình Hàn Quốc" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, "Nữ Hoàng băng giá", tại rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền và "Ngọc Rồng - Xuân Bắc - Tự Long" tại Rạp Galaxy 87 Láng Hạ (Hà Nội). Trong đó, đáng chú ý nhất là chương trình biểu diễn ảo thuật - hài kịch - xiếc mang tên "Cô Tấm và cuộc phiêu lưu diệu kỳ" với sự tham dự của cặp đôi ảo thuật gia nổi tiếng Hàn Quốc: E.K và Zeki. Đây là cặp đôi ảo thuật gia nổi tiếng tại Hàn Quốc, từng tạo cơn ra cơn sốt trong giới giải trí xứ sở Kim chi vào năm 2013 với màn ảo thuật diệu kỳ, thay liên tục 16 bộ quần áo trên sân khấu của chương trình Star King. 

Màn trình diễn quá xuất sắc của E.K và Zeki đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội Hàn Quốc năm 2013 và lọt top những từ khóa tìm kiếm nhiều nhất tại trên mạng Internet của quốc gia này. Năm 2016, E.K và Zeki đã vinh dự được ghi vào sách Kỷ lục Guiness với màn thay đồ nhanh nhất thế giới này.
Bên cạnh những đơn vị “giàu” chương trình như vậy, các đơn vị nghệ thuật khác như Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội... cũng góp mặt trong dịp 1/6 này. Có Nhà hát thì phục vụ ngay các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của Thủ đô như Nhà hát múa rối Thăng Long. Có Nhà hát thì lặn lội vào miền Trung, với quyết tâm cho các em nhỏ nơi đây được thưởng thức một chương trình xiếc hiện đại, hoành tráng không kém gì các chương trình biểu diễn tại Hà Nội.

Dịp 1/6 vì thế, là dịp “no dồn” của các khán giả nhí. Với khả năng tài chính của các bậc cha mẹ và với khả năng “thẩm thấu” không thể cùng một lúc nhiều chương trình đến vậy; nên thường các em nhỏ cũng chỉ có cơ hội xem được 1 - 2 chương trình trong tổng số hàng chục chương trình này.

Một điều đáng nói, chính vì tình trạng “no dồn đói góp” này, nên nhu cầu thưởng thức của khán giả nhí những dịp này rất lớn, khiến cho các chương trình, dù hay, dù dở, cũng đều cháy vé. Các đơn vị làm nghệ thuật, cả chuyên cho thiếu nhi lẫn không chuyên, dịp này đều “bung” ra chương trình, coi như một cơ hội tăng doanh thu. Bởi vậy, không phải chương trình thiếu nhi nào cũng có chất lượng. Tình trạng dựng vội, dựng ẩu, kịch bản kém, nhiều sạn... đã từng xảy ra. Tình trạng chạy sô của một số nghệ sĩ chuyên diễn cho thiếu nhi dịp này cũng đã từng được cảnh báo và bị lên án... Những “bất cập” này khiến sân khấu dành cho thiếu nhi vốn đã thiếu vắng, lại còn èo uột, thiếu tính hấp dẫn với thiếu nhi. 

(Còn tiếp)
PV
Đầu tư nghiêm túc với nghệ thuật cho thiếu nhi
Đầu tư nghiêm túc với nghệ thuật cho thiếu nhi

Không còn là những chương trình ca múa nhạc đơn giản, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi ngày càng được chú trọng và đầu tư “mạnh tay” hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN