Cụ thể, khoảng 20% người Mỹ được hỏi trả lời rằng họ đăng ký theo dõi một trang cung cấp thôn tin trực tuyến, tăng 4 điểm % so với năm ngoái. Tỷ lệ này tại Na Uy là 42% (tăng 8 điểm %), tại Hà Lan là 13% (tăng 3 điểm %) và tại Pháp và Đức đều là 10%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 33% đến 50% số lượng đăng ký theo dõi tin tức từ những cơ quan truyền thông lớn, ví dụ như báo New York Times.
Báo cáo còn chỉ ra một số người đọc cũng bắt đầu theo dõi hơn một kênh thông tin, trả tiền để theo dõi những kênh thông tin địa phương hoặc kênh thông tin đặc biệt, bên cạnh một nguồn tin tức quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn người dùng mạng Internet đều khẳng định không có điều gì đáng để họ phải trả tiền để đọc những tin tức trực tuyến. Tỷ lệ người có câu trả lời này là 40% ở Mỹ và 50% ở Anh.
Khảo sát chỉ ra niềm tin dành cho tin tức đã giảm tới mức thấp nhất kể từ khi báo cáo của Viện Reuters bắt đầu được thực hiện năm 2012. Chỉ có khoảng 38% người được hỏi cho biết họ gần như tin hầu hết các thông tin đọc được. Niềm tin cho tin tức có sự khác nhau giữa các quốc gia.
Trong khi ở Phần Lan 56% người được hỏi cho là các tin tức đáng tin cậy thì ở Pháp chỉ có 23% và ở Hàn Quốc chỉ có 21%. Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), tỷ lệ tín nhiệm tin tức còn giảm 16 điểm % xuống mức 30% trong cả năm khi khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn do biểu tình kéo dài. Các quốc gia như Chile và Anh cũng chứng kiến niềm tin dành cho tin tức giảm sâu trong năm qua.
Khảo sát được YouGov thực hiện hồi tháng Một vừa qua tại 40 quốc gia, với khoảng 2.000 người tham gia ở mỗi nước. Hiện cơ quan này cũng đã tiến hành những khảo sát sâu hơn tại 6 quốc gia trong tháng 4 vừa qua để phân tích những tác động ban đầu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nhu cầu tin tức.
Đại dịch lây lan mạnh buộc chính phủ các nước phải ban hành biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà để chặn đứng chuỗi lây nhiễm. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm nhu cầu thông tin truyền hình gia tăng, lượng khán giả xem truyền hình đã tăng trung bình 5% trên toàn thế giới, qua đó giúp kênh này trở thành nguồn thông tin chính bên cạnh truyền thông trực tuyến. Ở chiều ngược lại, số lượng báo phát hành giảm mạnh.