Nét đẹp văn hóa từ hương ước

Từ xa xưa, hương ước đã là một công cụ và phương thức quản lý trong xã hội truyền thống của người Việt tồn tại song song với luật pháp. Ngày nay, xã hội đã có những biến động, lệ làng cũng có sự thay đổi, song hương ước vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của làng xã Việt Nam, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Tuy nhiên, với sự thay đổi của xã hội, hương ước làng xã cũng cần có những thay đổi nhất định để phù hợp với thực tế.


Phương thức quản lý hiệu quả


Bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có 100% dân số là người Dao đầu bằng, liên tục từ năm 2005 đến nay đều được công nhận là bản văn hóa. 100% trẻ em được đến trường theo đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học, người ốm đau được đưa đến cơ sở y tế chữa bệnh, người dân trong bản đoàn kết, gắn bó mật thiết. Trong bản không có người vi phạm pháp luật, trật tự an toàn được giữ vững, các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi. Bản không có người tảo hôn, không có người sinh con thứ ba, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ, cánh rừng nguyên sinh vài trăm năm tuổi được người dân trong bản bảo vệ rất tốt, không có người chặt phá...

 

Đám cưới của người Pà Thẻn.


Có được kết quả đó chính là nhờ việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt các nội dung của bản hương ước. Lúc đầu, những hương ước này được quy định và truyền khẩu trong dân gian (thế hệ trước truyền cho thế hệ sau). Sau đó, hương ước được xây dựng thành văn bản để phát cho từng gia đình và phổ biến tại cuộc họp bản. Nhưng dù là truyền khẩu hay bằng văn bản, thì những quy định cụ thể trong bản hương ước ấy luôn được người dân trong bản nghiêm túc thực hiện.


Cũng nhờ áp dụng hương ước, những năm qua, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở thôn Mi Bắc (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), đã loại bỏ phong tục tổ chức đám cưới quá rườm rà, không được thách cưới quá cao. Đám tang tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém. Người dân trong bản phải có trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc mình bằng việc học và gìn giữ những làn điệu giao duyên của thanh niên nam nữ, những điệu múa, những bài hát dân ca Pà Thẻn, lễ hội truyền thống như lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ nhảy lửa... Những nghệ nhân dân gian trong thôn có trách nhiệm truyền nghề cho con cháu đời sau, đảm bảo các nghề truyền thống như dệt, thêu, hay những làn điệu dân ca truyền thống của người Pà Thẻn không bị mai một. Chị Phù Thị Thiên, cán bộ văn hóa xã Tân Bắc, huyện Quang Bình cho biết, những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn trong thôn được lưu giữ tốt là nhờ người dân trong thôn rất nghiêm túc thực hiện theo những quy ước trong bản hương ước của thôn.

Cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người cao tuổi, người có uy tín, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội để vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung của quy ước; kiên trì và đề cao công tác tuyên truyền vận động, đồng thời phát huy tình đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc trong việc thực hiện quy ước.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Văn hóa, Sở VH,TT&DL Lai Châu


Những câu chuyện trên đã cho thấy, hương ước, quy ước làng xã có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh hiện nay. Theo ông Trần Văn Quang, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH,TT&DL Phú Thọ), hương ước là một phương thức quản lý nông thôn truyền thống khá hiệu quả của cha ông. Việc thực hiện tốt các hương ước, quy ước ở các địa phương đã góp phần đáng kể vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Ví dụ như: Hương ước của thôn Minh Đức, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã quy định rất rõ về bảo vệ di tích, lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn. Quy ước của bản Hùng Nhĩ, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn quy định rõ việc không được bán nhà sàn đã có 50 tuổi ra khỏi làng để ngăn chặn việc “chảy máu nhà sàn”, quy định ngày lễ Tết người dân trong bản mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình... Hay như hương ước của bản Lạng, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có quy định rõ không chặt cây, hái củi trong khu rừng nguyên sinh Xuân Sơn, không chặt phá, khai thác thạch nhũ trong các động, các hang, bảo vệ con nước, thác nước trong các khu rừng của địa phương. Còn quy ước của một số bản thuộc xã Đồng Thịnh, xã Hưng Long, huyện Yên Lập thì nói rõ việc giữ gìn, khôi phục điệu múa mỡi, múa trống đu của người Mường... “Nhờ những quy định trong các quy ước, hương ước mà việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Phú Thọ đã đạt được hiệu quả cao, nhiều điệu múa truyền thống, những di tích lịch sử văn hóa được gìn giữ...”, ông Quang nhận xét.


Trong một cuộc tọa đàm về hương ước làng xã, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn đã khẳng định, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của mỗi làng, thôn, ấp, bản là truyền thống đạo lý của dân tộc ta đã có từ bao đời nay. Mặc dù thôn, ấp, bản, làng không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân...


Tránh việc hành chính hóa hương ước


Xác định được tầm quan trọng của hương ước, quy ước làng xã trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/1998/CT - TTg về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư” trên toàn quốc. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị, các địa phương đã tổ chức triển khai xuống từng cơ sở, vận động được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào đều gắn chặt với những nội dung cụ thể trong hương ước, quy ước. Việc tự giác chấp hành hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Theo đó, đời sống kinh tế nhân dân ổn định và từng bước phát triển.

Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú. Người dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn; y tế, giáo dục được chăm lo, môi trường cảnh quan, kỉ cương, pháp luật, tình làng nghĩa xóm được bảo đảm và củng cố. Đến nay, cả nước có gần 72.000 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được khen thưởng ở các cấp, đạt tỉ lệ 60,94%... Cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã góp phần hỗ trợ không nhỏ trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư ở cơ sở.


Hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định, để Chỉ thị 24/1998/CT - TTg ngày càng đi vào cuộc sống, phát huy tốt hiệu quả, thì trong quá trình các làng, thôn, bản xây dựng hương ước, quy ước cần chú trọng và tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, mọi người dân phải được tham gia bàn bạc, thảo luận, không nên ép buộc từ trên xuống. Nội dung hương ước nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và gần gũi với đời sống của người dân. Đồng thời nên áp dụng việc xử phạt theo quy ước dân gian (trừ những nội dung vi phạm trái pháp luật) bằng hình thức phạt lệ làng, xử phạt bằng những hình thức phức tạp, khó thực hiện thay cho phạt hành chính, dễ thực hiện nhưng thiếu tính răn đe. Ví dụ như bắt được quả tang chặt cây, phá rừng thì phạt bằng cách chặt cây nào trồng lại cây đó, phải chăm sóc cây đó trong vòng 10 năm...


Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, hương ước, quy ước phải gần gũi với đời sống, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh việc hành chính hóa trong khi xây dựng, có như vậy thì “lệ làng” mới có thể hỗ trợ được phép nước”.


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN