Mối tình vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh

Gia đình cặp nghệ sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh là một trong số ít những gia đình nghệ sĩ - chiến sĩ, cùng tham gia Đoàn văn công Tổng cục Chính trị (Nhà hát ca múa nhạc Quân đội ngày nay), đã đến nhiều đơn vị, có mặt ở tận chiến hào biểu diễn, mang lời ca, tiếng hát của mình cổ vũ, động viên các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ khi ra trận.

Nhạc sỹ Doãn Nho tham gia quân đội năm 1950. Khi ấy ông 17 tuổi, đã từng tham gia Thiếu niên cứu quốc hồi 1945, sau đó là Đội Tuyên truyền Xung phong Vĩnh Yên ngày Toàn quốc kháng chiến. Doãn Nho vào bộ đội, học Trường Lục quân Việt Nam khóa 6, nhưng do khả năng âm nhạc và biết chơi violon, ông trở thành nhạc công của Đoàn văn công Trường Lục quân. Những ca khúc đầu tiên ông viết "Bà mẹ nuôi", "Tiến lên theo gương La Văn Cầu"… đã trở thành những tiết mục biểu diễn của đoàn. 

Sau này, khi ông chuyển về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ông có bài hát "Vui giải phóng" viết về ngày Giải phóng Thủ đô, cũng được sử dụng trong chương trình của đoàn. Nhưng có lẽ phải đến "Tiến bước dưới quân kỳ", cái tên Doãn Nho mới được giới âm nhạc biết đến. Rồi từ đó, nhiều sáng tác của nhạc sỹ Doãn Nho đã đi vào lòng công chúng và để lại những ấn tượng sâu sắc như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Quả bom câm”, “Mừng quê ta giải phóng”… Đặc biệt, bài hát “Chiếc khăn piêu” được ông phát triển từ dân ca Khơ Mú đã trở thành bài hát trong những tiệc cưới nhiều năm hòa bình ở miền Bắc và gần đây lại “nổi sóng” trong làng nhạc Việt với bản hòa âm, phối khí mới của ca sỹ Tùng Dương.

Cặp vợ chồng nghệ sĩ chiến sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh. Ảnh: nongnghiep.vn


Vợ nhạc sỹ Doãn Nho là nghệ sỹ Nguyệt Ánh, ca sỹ trong Đoàn văn công Tổng cục Chính trị ngày xưa. Nhà nghệ sỹ Nguyệt Ánh ở phố Yết Kiêu, Hà Nội. Thời trẻ, bà nổi tiếng xinh đẹp, lại là con gia đình tiểu tư sản nên rất được cưng chiều. Vì mê hát, nên khi nhạc sĩ của đoàn văn công Sư  320 đến tuyển diễn viên, bà đã hăng hái tham gia thi hát và trúng tuyển. Vào đoàn văn công của Sư 320 được ít lâu, Nguyệt Ánh được chọn vào Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Kể về mối tình với nhạc sỹ Doãn Nho, nghệ sỹ Nguyệt Ánh vui vẻ cho biết, chỉ vì bà mê bài hát “Sóng Cửa Tùng” mà thôi. “Ngày đó, khi mới về đoàn, tôi không biết ông Nho là ai, nhưng lại rất thích bài hát “Sóng Cửa Tùng”, giai điệu của bài hát ăn sâu vào trong tâm trí tôi. Thế rồi khi gặp ông Nho, tôi yêu bài hát nên yêu luôn tác giả bài hát”, nghệ sỹ Nguyệt Ánh vui vẻ kể.

Nhắc đến bài hát đã “se duyên” cho hai vợ chồng, nhạc sỹ Doãn Nho nhớ lại: “Năm 1954, tôi cùng đoàn nghệ sỹ đi thực tế chiến trường để sáng tác. Khi đó sông Hiền Lương, Vĩnh Linh là giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Hôm ấy, tôi ngồi bên bờ Hiền Lương đến 3 giờ sáng, dân chài lưới từ thượng nguồn đổ ra Cửa Tùng để kịp đánh những mẻ lưới đầu tiên trong ngày. Giờ ấy, trên mỗi chiếc thuyền, họ nổi lửa nấu ăn trước khi vào ngày mới tiến ra biển. Những  đốm lửa  từ con thuyền lóe lên trong đêm, lấp lánh lên như ánh sao, râm ran là những câu hò, hòa vào những luồng gió mát hắt lên từ mặt sông… Cái tứ “Chung tình Nam Bắc chung tình đấu tranh” đã nhập vào tâm hồn tôi. Và lúc ấy, tôi nghĩ thiên nhiên miền Trung, con người Vĩnh Linh nằm trong câu hò Như Lệ, để cuối cùng  viết ra hợp xướng “Sóng Cửa Tùng”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại. 

Vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc khi tham gia biểu diễn ở chiến trường. Kỷ niệm sâu sắc. Năm 1967, hai vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh đang công tác tại Đoàn văn công Quân đội thì được lệnh lên đường đi B3 (Mặt trận Tây Nguyên), phục vụ anh em chiến sĩ 1 năm. Hai vợ chồng nghệ sỹ đã gửi con lại cho em gái là nghệ sĩ Nguyệt Nga (vợ của nhạc sĩ Huy Thục) và lên đường làm nhiệm vụ. Một lần, nhạc sĩ Doãn Nho đi tiền trạm cùng một đoàn xe vận tải vũ khí, đoàn xe này bị B52 rải thảm, bộ đội hi sinh rất nhiều. Trong số đó có một chiến sĩ lái xe cũng tên là Nho, nhưng khi báo về, mọi người nhầm tưởng đó là nhạc sỹ Doãn Nho, tác giả của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” đã hi sinh. Tin đồn về đến đoàn công tác, lãnh đạo đoàn quyết định giữ kín thông tin để bà Nguyệt Ánh yên tâm tiếp tục công tác. Rồi một hôm, khi mấy chị em trong đoàn đang ở ngoài suối, chợt nghe cậu anh nuôi hét gọi: “Chị Nguyệt, chị Tân ơi, anh Nho về rồi!”. Bà Ánh còn ngạc nhiên hỏi: “Anh Nho về thì làm sao?”. Hai chị khác mới ôm chầm lấy bà, khóc nói: “Bọn tao giấu mày tin đồn anh Nho hi sinh cả tháng nay rồi!”. Lúc đó bà Ánh mới vội vã chạy về tìm gặp chồng.

Sau khi trở về từ chiến trường Tây Nguyên, nhạc sĩ Doãn Nho được cử sang Liên Xô (cũ) học, để tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình. Nghệ sĩ Nguyệt Ánh cũng được Đoàn tạo điều kiện cho đi nước ngoài, nhưng bà lại tình nguyện ở nhà chăm sóc con cái để tạo điều kiện cho chồng phát triển sự nghiệp. Và sự hy sinh thầm lặng đó của bà đã giúp công chúng có một nhạc sỹ Doãn Nho với những tác phẩm nổi tiếng như hiện nay. Khi nhắc đến người bạn đời của mình, nhạc sỹ Doãn Nho cười nói: “Tất cả những tác phẩm nhạc của tôi đều có hình dáng và tấm lòng của vợ. Nguyệt Ánh đã không quản hy sinh, vất vả để có một Doãn Nho như tôi hôm nay”.


Hà Lâm


Người nghệ sĩ đậm chất lính
Người nghệ sĩ đậm chất lính

Tác phong giản dị, gần gũi, Đại tá, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng để lại ấn tượng với bất kỳ ai từng gặp ông bởi niềm đam mê mãnh liệt với nhiếp ảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN