Mang âm nhạc đổi nụ cười người bệnh

Dùng âm nhạc như một liều thuốc tinh thần, xoa dịu những đau đớn, lo âu, căng thẳng của những bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ.

Dùng âm nhạc để kết nối những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện quyên góp ủng hộ các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, khẳng định và tô thắm thêm nét đẹp văn hóa, nghĩa tình. Đó là những giá trị to lớn mà chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đã làm được trong nhiều năm qua. 


Chất lượng, quy mô rộng hơn


Theo thông báo từ BTC, chương trình tình nguyện “Mang âm nhạc đến bệnh viện” năm 2016 dự kiến sẽ thực hiện khoảng 40 buổi biểu diễn tại các bệnh viện lớn nhỏ, trên địa bàn cả nước. Trong đó, riêng tại Hà Nội dự kiến sẽ là 20 chương trình. Thành phố Hồ Chí Minh 10 chương trình, số còn lại sẽ được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Dự kiến, mỗi tháng sẽ diễn ra từ 2 - 3 chương trình, bắt đầu từ tháng 3/2016 cho đến hết tháng 12/2016 và một chương trình Gala diễn ra vào tháng 1/2017. 

Mang âm nhạc đổi nụ cười người bệnh. Ảnh: BTC cung cấp.

Với phương châm và tinh thần phục vụ, các y bác sỹ, bệnh nhân, chương trình gồm có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các ca sĩ chuyên nghiệp, xen kẽ là hát giao lưu với bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hoặc tiết mục tự biên tự diễn của bệnh viện, bệnh nhân... Trước hoặc sau mỗi chương trình, các nghệ sĩ sẽ đến thăm bệnh nhân bệnh nặng không thể ra khỏi giường và hát cho bệnh nhân nghe theo đúng yêu cầu của bệnh nhân, như một món quà nhằm khích lệ tinh thần, giúp bệnh nhân có những phút giây hòa mình với âm nhạc để xua tan sự đau đớn của bệnh tật cùng sự buồn tẻ, lo lắng sợ hãi trong môi trường bệnh viện. Bên cạnh các tiết mục biểu diễn, chương trình kêu gọi quyên góp từ thiện với tinh thần lá lành đùm lá rách, toàn bộ số tiền thu được sẽ được kiểm đếm công khai tại chỗ và trao tặng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện...


“Mang âm nhạc tới bệnh viện” là sáng kiến của ca sĩ Thái Thùy Linh, ra đời từ năm 2011, với tần suất trung bình 3 chương trình/tháng. Trong gần 5 năm qua, chương trình đã thu hút được hơn 500 nghệ sỹ tham gia biểu diễn ở trên 100 bệnh viện lớn, nhỏ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành trong cả nước như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Nam, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn, Vĩnh Phúc…


Bên cạnh những suất quà với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng trong suốt hành trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, 5 năm qua, những hòm từ thiện đặt tại chỗ biểu diễn các chương trình cũng đã thu được gần 3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền quyên góp trên được trao tặng trực tiếp cho các bệnh nhân ngay tại chương trình, thể hiện sự tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, tô thắm thêm nghĩa tình đồng bào của những người dân đất Việt.


Ông Võ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia Việt Nam, Đại diện BTC chương trình, cho biết: Chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” trong năm 2016 sẽ được thực hiện với chất lượng và quy mô rộng lớn hơn, ước mong có thể đến nhiều vùng đất của Tổ quốc hơn nữa, phục vụ được nhiều khán giả là những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y, bác sỹ, cán bộ đang công tác tại các bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được những điều đó, rất cần sự ủng hộ, gắn bó với hoạt động này của toàn thể cộng đồng, xã hội trong năm 2016.


Gắn kết cộng đồng - xoa dịu nỗi đau


Tháng 11/2011, ca sĩ Thái Thùy Linh - người luôn tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện đã cho ra đời một ý tưởng thực hiện chuỗi chương trình thiện nguyện “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Lần đầu tiên, các chương trình âm nhạc được đem tới biểu diễn trực tiếp ngay trong bệnh viện một cách chuyên nghiệp và hoàn toàn miễn phí, để phục vụ cho bệnh nhân và các y bác sĩ… Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đã dần trở thành “một người bạn quen thuộc”, tổ chức biểu diễn liên tục, phi lợi nhuận, phục vụ miễn phí cho tất cả các bệnh viện - trung tâm y tế trọng điểm tại nhiều tỉnh/thành trên toàn quốc.


Với thông điệp: “Chúng tôi không biểu diễn, chúng tôi mang âm nhạc đến bệnh viện để đổi lấy những nụ cười hiếm hoi nơi này”, chương trình đã trở thành chiếc cầu nối yêu thương, bền bỉ thực hiện sứ mệnh cao cả của mình: Dùng âm nhạc như một liều thuốc tinh thần, xoa dịu những đau đớn, lo âu, căng thẳng của những người không may mắc bệnh nặng, phải vào bệnh viện. Dùng âm nhạc giúp các y bác sỹ bớt căng thẳng, mệt mỏi, từ đó phục vụ người bệnh tốt hơn". Không những thế, chương trình còn là cầu nối giữa những tình nguyện viên, những tấm lòng hảo tâm và các bệnh nhân nghèo, khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện, để nhiều người được làm việc thiện, nhiều người được hưởng lợi ích trực tiếp từ chương trình. 


Có thể nói, ca sỹ Thái Thùy Linh, người khởi xướng chương trình cùng các thành viên của chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đã biết cách sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ âm nhạc để làm rất tốt công tác xã hội. Một mặt vừa động viên, cổ vũ tinh thần người bệnh, một mặt tận dụng âm nhạc kết nối những tấm lòng thiện nguyện, khơi gợi tình yêu thương giữa con người với con người. 


Bằng nhiệt huyết của mình, bằng sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, hàng trăm nghệ sỹ đã sẵn sàng đồng hành cùng chương trình, mang lời ca, tiếng hát, dùng ảnh hưởng của mình, sử dụng tài năng và sự nổi tiếng của mình để phát huy tác dụng to lớn trong việc kết nối và phát huy các nguồn lực xã hội, kêu gọi, động viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quyên góp ý nghĩa, làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, đồng thời giáo dục tinh thần tương thân tương ái, tạo cơ hội gắn kết và mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống các bệnh viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kêu gọi mọi người mở rộng tấm lòng, để cùng nhau “gieo” niềm tin yêu tới nhiều phận đời kém may mắn, xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Phương Lan
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN