Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Chỉ với câu đối ấy thôi, đã thể hiện đầy đủ nét văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, đó Tết của ngày xưa, còn ngày nay, với nhịp sống hiện đại và điều kiện sống thay đổi, một số phong tục Tết đã có sự thay đổi.
Tết xưa
Cụ Phạm Thị Sinh (quận Long Biên, Hà Nội), năm nay đã trên 90 tuổi kể, ngày cụ còn nhỏ, cụ và các anh chị em trong nhà mong đến Tết. “Mỗi dịp Tết là bận rộn lắm” - cụ nói.
Sau lễ cúng ông Công ông Táo, là bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, mua sắm Tết, gói bánh chưng, treo câu đối, rồi dựng cây nêu đón Tết. Trẻ em trong nhà được mua quần áo mới, được mua bánh kẹo, và thích nhất là được bố mẹ mua tranh cho treo Tết, được mừng tuổi, đi chơi…
Trong cuốn sách “Hội hè lễ Tết của người Việt” của Giáo sư, nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, một cuốn sách viết rất kỹ về lễ - tết - hội, về tín ngưỡng của người Việt, cách đây gần 80 năm, có một chương miêu tả khá tỉ mỉ về Tết Nguyên đán cùng những phong tục đẹp trong ngày Tết lớn nhất trong năm này.
Theo đó, vào những năm 1940-1941, thời điểm GS Nguyễn Văn Huyên thực hiện khảo cứu cho bài viết của mình, thì mỗi dịp Tết đến, mọi nhà, mọi hạng người đều chi tiền để nhờ ông đồ viết câu đối, hay những bức hoành phi treo trong nhà. Có nhà treo trên cửa ra vào, có nhà treo trên xà nhà, hay treo trên các bức tường… tạo vẻ ngoạn mục cho thành phố vào thời kỳ xuân mới.
Ngoài câu đối Tết, thì tục dựng cây nêu thời đó cũng rất phổ biến. GS Nguyễn Văn Huyên viết: Tục dựng cây nêu là công đoạn gần như cuối cùng trong các công đoạn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Đấy là cây tre dài 5-6 mét, được tước hết các cành, nhưng để lại những cụm lá, hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo cái vòng bằng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung, phát ra âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới vòng buộc cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo cái đèn thắp ban đêm.
Theo GS Nguyễn Văn Huyên, cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên về ăn Tết trong gia đình những người đang sống, đồng thời xua đuổi và ngăn ma quỷ tiến vào nhà. Sang ngày đầu năm mới, người ta còn xem túm lá trên đỉnh cây nêu quay về đâu để biết được năm ấy mùa màng có tốt không… Ngày xưa, nhà nào có quyền thế nhất, là nhà đó có cây nêu cao nhất…
Thời kỳ đó, ngày Tết trẻ em thường được người lớn trong nhà tặng cho những bức tranh, có thể là tranh dân gian, cũng có thể là những bức tranh vẽ theo truyện kể sự tích các anh hùng lấy từ lịch sử dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu… Những bức tranh ấy thường được những đứa trẻ dán hoặc treo lên vách tường ngay cạnh giường chúng nằm.
Tết nay
So với Tết xưa, đến nay, nhiều phong tục Tết đã có sự thay đổi. Các gia đình không treo “câu đối đỏ” trong ngày Tết, chỉ trang trí nhà cửa cho đẹp hơn. Một số ít gia đình vẫn đi xin chữ ông đồ về treo, nhưng không phải xin câu đối treo Tết, mà xin chữ như An, Tâm, Tài, Đức, Phát, Đạt, Phúc, Lộc, Thọ… để cầu mong may mắn trong năm.
Tục trồng cây nêu cũng đã thay đổi. Ngày nay, các gia đình đã không còn trồng cây nêu trong dịp Tết nữa, đặc biệt là ở thành phố. Một phần điều kiện các hộ gia đình ở thành phố giờ không đất để trồng cây nêu, phần vì nhịp sống hiện đại, quan niệm sống cũng có những thay đổi cho phù hợp. Hiện nay, ở một số tỉnh Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Tĩnh… hay ở một số vùng đồng bào dân tộc, tục trồng cây nêu vẫn được lưu giữ.
Những năm gần đây, trong một số các hoạt động văn hóa, một số đơn vị, địa phương đã bắt đầu phục dựng lại tục trồng và hạ cây nêu, như trong chuỗi hoạt động “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mới đây, năm 2018, nhóm Đình làng Việt phối hợp với người dân làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng đã tổ chức phục dựng khá đầy đủ và chi tiết nghi thức dựng cây nêu trong khuôn viên đình…
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về phong cách sống, điều kiện sống của xã hội hiện đại, một số phong tục đón Tết cổ truyền đẹp và độc đáo của Việt Nam đang dần được thay thế khi không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Mặc dù vậy, những phong tục này vẫn được các cụ già kể lại cho con cháu nghe, được một số tổ chức trình diễn, phục dựng lại với mong muốn để thế hệ trẻ có thêm hiểu biết về những phong tục đẹp trong Tết xưa của người Việt.