Đầu Xuân nói chuyện trang phục đi lễ

Người Việt xưa quan niệm đi lễ đầu Xuân là việc hệ trọng, liên quan đến đời sống cả năm của bản thân và gia đình. Bởi vậy, người Việt thường rất cẩn thận trong việc chọn trang phục, chỉn chu trong hành xử khi đi lễ, nhất là những ngày đầu Xuân, năm mới.

Chú thích ảnh
Người dân Thủ đô đi lễ tại chùa Trấn Quốc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Từ xa xưa, người Việt nói chung và người theo đạo Phật nói riêng thường xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm như là gạo, muối, diêm...

Nhà nghiên cứu dân tộc học, âm nhạc Dương Đình Minh Sơn cho biết: “Trước kia, người đến chùa, đi lễ, đặc biệt nữ giới, thể hiện bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc bằng những bộ trang phục như: Áo tứ thân, tay cầm chiếc nón quai thao, chân đi guốc mộc. Nam giới, các anh khóa và thanh niên vận bộ đồ trắng, chân đi guốc. Các cụ già mặc áo kép (trong áo trắng ngoài áo lương màu xanh lam), quần trắng tay kẹp ô, chân đi guốc. Đó là tâm thức trong việc khởi đầu về văn hóa của người Kinh trong những dịp đi lễ đầu Xuân năm mới của dân tộc".

Ngày nay, việc đi lễ đầu năm đã không còn giữ được nét đẹp mà ít nhiều đã bị "thương mại hóa", làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của việc đi lễ đầu Xuân, vãn cảnh chùa, hay du Xuân. Nhiều người đi lễ không mang tâm thức, tâm linh, linh thiêng mà chỉ nghĩ đến việc mưu cầu đạt được thành tựu cho riêng mình bằng cái tâm "sân si". Thậm chí, có người "sân hận", việc đi lễ đầu năm không còn mang ý nghĩa và nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt. Đáng chú ý là phần trang phục nhiều người mặc khi đến chùa không được nghiêm trang.

Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội Lương Ngọc Đức chia sẻ: Ngày xưa, các cụ ta đi lễ chỉ là đi lễ, không đi đâu nữa vì “du tất hữu phương” (đã đi là phải có phương hướng). Nhưng hiện nay, người Việt thường kết hợp đi lễ với nhiều việc khác nữa nên thiếu mất chất văn hóa tâm linh.

Ông Lương Ngọc Đức trông nom 3 ngôi đền ở Hà Nội là đền Hàng Hành, đền Hàng Trống, đền Thủy Chung Tiên Từ (thờ mẫu Thoải). Trong những ngày Tết, nhiều người trẻ tuổi đến lễ và còn đó những hình ảnh phản cảm trong trang phục khi đến chốn linh thiêng. Để giảm bớt những hình ảnh chưa đẹp này, tại nhiều ngôi đền, nơi thờ tự, những người trông nom, quản lý đã chuẩn bị một số áo lễ đơn giản, thông tin đến người đi lễ để họ cẩn thận trong việc lựa chọn, sử dụng y phục tại những nơi tôn nghiêm.

Bên cạnh việc chuẩn bị áo lễ, nhiều đền, chùa cũng thông báo nội quy ở nơi dễ nhìn thấy để nhắc nhở những người “thạo việc đời, không quen việc đạo” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ đó, ý thức của nhiều người đi lễ đã thay đổi, bớt dần những cảnh ăn mặc không chuẩn chỉ, thậm chí là phản cảm khi tới nơi thờ tự.

Ông Lương Ngọc Đức khẳng định, trang phục được chuẩn bị ở đền, chùa là một bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa của người Việt nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi đi lễ.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ ngày nay: Để giữ được nề nếp của cha ông xưa và phù hợp nếp sống văn minh, hiện đại ngày nay, khi đi lễ cần chọn trang phục cho trang nghiêm. Có thể mặc quần áo bình thường, không nhất thiết phải mặc các hoại sắc phục (màu lam hoặc nâu sòng), nhưng cũng không nên chọn áo váy lòe xòe, cầu kì... Đã y phục trang nghiêm rồi, đến đền, chùa, các hành vi ứng xử với mọi người, với di tích cũng nên có văn hóa.

Mỹ Bình (TTXVN)
Đi lễ hội về bị lật phà, ít nhất 16 người thiệt mạng
Đi lễ hội về bị lật phà, ít nhất 16 người thiệt mạng

Một quan chức Ấn Độ cho biết ngày 21/1, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 16 thi thể sau khi một chiếc phà chở 24 người bị lật tại một con sông ở bang Karnataka, miền Nam nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN