Dù là diễn viên điện ảnh không chuyên nhưng NSƯT Lê Vân đã tạo dựng được tên tuổi trong làng điện ảnh với các vai nữ chính trong: Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thằng Bờm, Thương nhớ đồng quê,… Vì thế, dù dừng lại ở nghiệp diễn (và nghiệp múa) khi mới 38 tuổi nhưng NSƯT Lê Vân chưa khi nào phải tiếc nuối vì chị như kiếp con tằm đã rút ruột nhả tơ, sống trọn với nghiệp diễn và chị nói mình đã dừng lại đúng lúc.
Làng quê Việt nuôi dưỡng tâm hồn từ thơ bé
Có thể nói, Lê Vân là người đàn bà đẹp. Thời con gái mỏng mày hay hạt, ăn nói có duyên. Đến bây giờ chị càng mặn mà hơn, một vẻ đẹp tròn đầy của người đàn bà dù cho cuộc đời trải qua không ít biến cố. Chính vẻ dịu dàng nữ tính ấy đem lại cho chị những vai diễn trong nhiều bộ phim gắn với thôn quê, và tất cả họ đều là những người phụ nữ rất đẹp, từ chị Dậu trong phim cùng tên (năm 1981), vai Xoan trong phim “Thằng Bờm” (1987)… Đặc biệt vai Duyên trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” (năm 1984), một bộ phim được liệt vào dạng kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Lê Vân trong phim “Chị Dậu”. |
Nói như thế để thấy, không phải ngẫu nhiên, Lê Vân được các đạo diễn chọn (và chị cũng lựa chọn kịch bản) vào vai trong những bộ phim rất nổi tiếng mà hầu như đều gắn với làng quê, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả cho đến tận bây giờ. Bởi chính chị cũng thừa nhận rằng, những vai chị từng đảm nhận rất hợp với mình, như thể chị sinh ra để diễn những vai đậm chất nông dân ấy.
Cũng có thể, chất nông dân-nông thôn đã ngấm vào con người thị thành như chị từ khi chị mới 5 tuổi, khi ấy cô bé Lê Vân cùng với lũ trẻ là con cái những đồng nghiệp của bố mẹ trong Nhà hát kịch Trung ương đi sơ tán về những vùng quê, lúc thì ở Lạc Đạo, khi ở Ba La Bông Đỏ, lúc ở Phùng. Những ngày tháng xa bố mẹ ở trong trại trẻ và ở nhà dân đã khiến tâm hồn non nớt nhưng vô cùng nhạy cảm của cô bé Vân có những ấn tượng đầu tiên về cuộc sống nơi thôn quê, về những người dân quê chân chất mộc mạc, nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa tình.
Chị cũng nói rằng, không hiểu sao chị yêu mến những ngôi làng Việt đến thế và chị thật khó giải thích về điều này. Chỉ biết rằng, trong tâm tưởng của chị cứ nhắc đến làng là mặc định có những con đường đất, có bụi tre, khóm chuối, người dân chân chất, mộc mạc.
Cũng chính vì yêu quý những làng quê ấy mà bây giờ dù cuộc sống hiện đại, nhất là nơi Hà thành, chị vẫn có những thói quen sinh hoạt đậm chất thôn dã. Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, có thể không thể thiếu lò vi sóng nhưng chị lại dùng những chiếc rổ, rá, lồng bàn đan bằng tre (khi người người nhà nhà hầu hết dùng đồ nhựa), ngoài sân vẫn có vài chiếc chum vại, cối đá,…
Và cũng chính bởi chị luôn sống với những cảm xúc ấy nên sau này, khi có dịp về một ngôi làng thuần nông (của một bác giúp việc ở Nam Định) chị không khỏi thất vọng khi những hình dung và cảm giác về một ngôi làng xưa đã không còn nữa, dù đây là những thay đổi tất yếu của cuộc sống.
Quả thật, những bộ phim Lê Vân từng đóng phần lớn gắn với một làng nhất định: Phim Thằng Bờm gắn với một làng thuộc Thuận Thành (Bắc Ninh), phim Chị Dậu thì về làng Đồng Kỵ, phim Bao giờ cho đến tháng Mười thì quay tại làng Nhị Khê,… Và ngôi làng nào trong ký ức của chị, sau mỗi chuyến đi, cũng thật đẹp dù cho lúc bấy giờ cuộc sống rất khó khăn, đa phần cuộc sống người dân còn nghèo khổ.
Làm phim Chị Dậu, đoàn làm phim về làng Đồng Kỵ, một làng nổi tiếng chuyên làm pháo, nay thì không còn làm pháo nữa. Lúc ấy Đồng Kỵ nghèo xơ xác, người dân còn đói ăn, nhà mái rạ. Để vào vai chị Dậu, chị được giao cho trông coi và chăm sóc một đàn chó, hàng ngày phải cho chúng ăn, khiến chúng quen hơi bén tiếng để có thể diễn đạt trong phim. Những ngày tháng ấy chị chẳng khi nào quên. Và điều đặc biệt là, sau khi bộ phim hoàn tất, chị đã học được cách nấu rượu nếp của người dân nơi đây.
“Với phim Thằng Bờm cũng vậy. Đây là một kịch bản thuộc vào số ít ỏi lúc bấy giờ bởi đậm chất dân gian như thế. Ngôi làng đoàn làm phim dừng chân có một cây cầu đá cổ rất nổi tiếng, được chạm trổ hình đầu rùa, và cũng chính vì cây cầu đá ấy mà đạo diễn đã chọn làng làm nơi quay phim”, chị kể.
Và sự dừng lại đúng lúc, không hối tiếc
Nhưng có lẽ, vai diễn để lại trong chị nhiều xúc cảm nhất chính là vai Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Nén nỗi đau của người vợ có chồng hy sinh trong chiến trận, giấu cả bố chồng để ông cụ vẫn tin con trai mình còn sống và sẽ trở về; những lá thư tay của chồng do Duyên nhờ thầy giáo làng giả nét chữ vẫn gửi về đều đặn… Bộ phim đầy cảm động và chân thực về những mất mát từ cuộc chiến tranh mà ở đó người ta không cần lên gân lên cốt.
“Đây có lẽ là vai diễn tôi ưng ý nhất. Bộ phim thể hiện một cái nhìn khác về chiến tranh trong thời điểm đó, cái nhìn về phía sau cuộc chiến, vì thế tính chân thực của chiến tranh càng rõ nét. Và cũng chính vì thế cảm xúc đem lại từ lúc đọc kịch bản là cảm xúc thật sự, dễ đi vào lòng người, và tôi đã nhập vai một cách dễ dàng. Khi diễn, bản thân mình cũng không nhận ra đâu là ranh giới giữa đời thực và đời sống phim ảnh”, chị kể. Vai diễn này cũng chính là vai diễn trọn vẹn nhất kể từ khi chị diễn bộ phim đầu tiên năm 19 tuổi cho đến khi chị quyết định dừng bước trong làng điện ảnh, khi ấy chị mới 38 tuổi.
Nhưng chị nói, việc chị ngừng lại không theo nghiệp diễn (cũng như nghiệp múa) là đúng lúc và không hối tiếc bởi chị đã cống hiến hết mình với cả hai nghề. Chị kể rằng, thời kỳ đóng “Bao giờ cho đến tháng Mười”, chị còn tập cả vũ balê cho vở Spartacus. Ngày ngày cứ 5 giờ sáng chị dựng bác lái xe dậy, lùa vội bát cơm nguội ở đoàn làm phim rồi lên xe từ Nhị Khê về nhà hát tập vở với diễn viên và chuyên gia Liên Xô; 12 giờ trưa khi tập xong lại vội vàng lên xe trở về Nhị Khê, tới nơi cũng vội vàng ăn bát cơm nguội rồi tiếp tục quay cùng đoàn làm phim cho đến đêm.
Và cũng với cách làm việc như thế, trong suốt 19 năm theo nghiệp diễn viên và 27 năm theo nghề múa (chị học múa khi mới 11 tuổi) chị đã làm việc hết mình. Năm 1995, thời điểm chị đưa ra quyết định dừng chân cũng là lúc chị lao động cật lực hơn bao giờ hết. Trong một năm ngắn ngủi, chị làm nhiều việc cùng một lúc. Đầu tiên là tham dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Cần Thơ, tại liên hoan này chị đã đoạt giải Nghệ sĩ biểu diễn múa xuất sắc nhất (lần thứ 3). Trong khi đoàn (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam) còn đang ở Cần Thơ, chuẩn bị lưu diễn tại TPHCM thì chị đã tất tả bay ra Hà Nội để có thể tham gia biểu diễn tại Tuần lễ văn hóa Việt Nam ở Luân Đôn (Anh).
Cùng thời điểm đó, chị cũng đã nhận lời tham gia phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, kịch bản chị cũng đã đọc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh khi ấy không đồng ý vì chị đi Anh đồng nghĩa với việc mọi kế hoạch sẽ phải lùi lại. Ông đã nói một cách “dằn dỗi” rằng: Cháu thích đi diễn ở nước ngoài thì cứ đi, sẽ tìm diễn viên chính khác để thay thế. Lúc ấy chị chỉ nghĩ rằng, mình không thể vì việc riêng mà bỏ việc chính (diễn viên múa) được.
Tuy nhiên, sau khi đi Anh về, chị nhận được thư tay của đạo diễn Đặng Nhật Minh (do Tất Bình mang tới), nội dung đại ý rằng: Tiếp tục mời cháu vào vai Quyên, trong phim có những cảnh nóng sẽ tìm cách để cháu không phải đóng. Và thế là ngay hôm sau đoàn làm phim đã đón chị tới làng Hương Gia gần sân bay Nội Bài để quay những cảnh đầu tiên. Đây cũng chính là bộ phim sau cùng của chị. Trong khi quay thì Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam lúc ấy vẫn còn đang ở Cần Thơ yêu cầu chị có một đêm diễn duy nhất tại TPHCM và chị đã thực hiện lời hứa ấy.
Khi “Thương nhớ đồng quê” quay xong đã là cuối năm. Cũng vào một ngày giá lạnh như bây giờ, chị đã cắt đi mái tóc đen mượt của mình như một sự kết thúc nghiệp diễn. Cho đến nay, dù đã gần 20 năm chia tay với cả nghề múa và điện ảnh nhưng chị thấy rất thanh thản bởi đã tận dụng hết tuổi thanh xuân của người nghệ sĩ, khi trí lực sung mãn nhất, để làm việc; và điều quan trọng là chị đã sống thật xứng đáng, gặt hái được nhiều thành công trong những ngày tháng ấy.
Xuân Phong