Phần lễ diễn ra với lễ rước bộ truyền thống, lễ cáo yết, lễ tế, dâng hương Đức Thánh Trần... Phần hội diễn ra với các cuộc thi pháo đất, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng, kéo co...
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Đình, đền, bến Tượng A Sào nhấn mạnh: Lễ hội A Sào là dịp để nhân dân trong huyện và khách gần xa tới hành lễ dâng hương, chiêm ngưỡng thắng cảnh, tưởng nhớ tri ân Đức Thánh Trần có công hộ quốc, an dân. Đồng thời, người dân địa phương và du khách có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống đặc trưng của nền văn minh lúa nước châu thổ Sông Hồng...
A Sào từng là Thái ấp của Phụng Càn Vương - Yên Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Quốc Công - Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng có công lớn trong việc khai ân, kiến tạo, sáng lập nên một vương triều hùng cường, thịnh trị trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Từ năm 1258 đại quân Nguyên Mông do Ngột Lương Hợp Đài cầm đầu, gây hấn xâm phạm bờ cõi nước ta. Quân dân Đại Việt không chịu khuất phục, tập trung lực lượng, dốc toàn lực chống giặc, khi ấy Hưng Đạo Đại Vương mới tròn 18 tuổi được triều đình phong tước Thượng vị hầu và giao cho trấn thủ A Sào. Từ những năm tháng này, tài năng, phẩm hạnh, văn võ song toàn, lược thao xuất chúng của vị danh tướng phát lộ.
Nhận rõ vai trò vị thế chiến lược hiểm yếu của địa bàn A Sào nên trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), các vua Trần đã cùng Hưng Đạo Đại Vương trực tiếp thị sát và chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa thành căn cứ địa vững chắc để triển khai thế trận thủy chiến.
Cũng tại đây, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được triều đình giao đặc trách xây dựng đội quân tinh nhuệ, trung tâm tích lũy binh lương. A Sào đã trở thành thánh địa trong thế trận thủy chiến chống thủy binh Nguyên Mông. Từ đó các địa danh: Mễ Thương (kho gạo), Đại Lẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần) đã gắn liền với chiến công diệt giặc và mãi mãi tỏa sáng, trường tôn cùng lịch sử dân tộc. Đặc biệt tên gọi A Sào chính là sự tôn vinh độc đáo đó.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1288), Trần Quốc Tuấn được phong Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương và A Sào được chọn là nơi đặt đại bản doanh của Trần Hưng Đạo.
Một lần Hưng Đạo Đại Vương cưỡi voi chỉ huy chiến dịch, khi vượt sông Hóa, qua bến A Sào thì voi chiến bị sa lầy, dân chúng tìm đủ mọi cách vẫn không cứu được, đành dùng thuyền mảng đưa Quốc công tiết chế và tướng sĩ qua sông cùng hàng ngàn chiếc bánh giầy ủng hộ quân đội. Thương xót voi chiến trung thành thân tín đã cùng Đại Vương vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai và cảm kích trước thịnh tình của dân chúng, Hưng Đạo Đại Vương đã tuốt gươm báu chỉ xuống sông thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này”. Lời thề ấy vang vọng đến cao xanh, thành linh tụ khí thiêng sông núi, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Đại Việt chiến thắng giặc thù, bại tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống và phải đền tội.
Sau ngày ca khúc khải hoàn, bến sông nơi voi trận hy sinh được nhân dân gọi là bến Tượng, trên bến người dân lập miếu thờ tượng voi, dân làng A Sào lập Đền thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, gọi tên là Đền A Sào hay còn gọi là Đệ Nhị Sinh Từ hoặc A Sào linh miếu.
Với những giá trị lịch sử văn hóa còn lưu giữ được, khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội truyền thống Đền A Sào ở xã An Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Nhân dịp này, Ban Tổ chức lễ hội đã phát động đợt cúng quả công đức xây dựng tượng đài Đức Thánh Trần và đã được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm nhiệt tình hưởng ứng.