Những giai điệu giàu cảm xúcChương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 5-6/8 và tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10-11/8/2016. Chương trình được biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài ba người Nhật Honna Tetsuji. Năm nay, lần đầu tiên, chương trình có sự tham gia của nghệ sỹ piano tài năng Vũ Ngọc Linh, hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc Việt Nam. Vũ Ngọc Linh đã từng gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc tại Mỹ như giải Nhất cuộc thi độc tấu piano với dàn nhạc tại Mỹ (2004), giải Nhì cuộc thi của Hiệp hội giáo viên âm nhạc của New Jersey và Mỹ (2005)… Anh đã biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc tại một số quốc gia, và biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng Mỹ, Nga, Việt Nam…
Nhạc trưởng Honna Tetsuji và giàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong một chương trình “Hòa nhạc Toyota”. |
Trong chương trình “Hòa nhạc Toyota” năm nay, các nghệ sỹ sẽ đưa người nghe ngược dòng thời gian về thế kỷ 19 của những giai điệu cổ điển trữ tình, đến với miền cổ tích nước Nga - vùng đất sinh ra những con người ưu tú của nền âm nhạc cổ điển thế giới nói chung, và lịch sử âm nhạc nước Nga nói riêng. Đó là một Glinka với đột phá tiên phong, được tụng xưng là cha đẻ của nền âm nhạc kinh điển Nga, một Rachmaninov thiên tài hay một Tchaikovsky với chất nhạc mạnh mẽ giàu xúc cảm.
Các tiết mục biểu diễn tại chương trình đã được lựa chọn từ các tác phẩm âm nhạc kinh điển đã chiếm trọn trái tim biết bao nhiêu người yêu nhạc Nga nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đó là, khúc mở đầu của vở nhạc kịch "Ruslan và Ludmila", được biểu diễn như một tác phẩm độc lập bởi những giai điệu vui tươi, tràn ngập không khí lễ hội. Đây là vở nhạc kịch thứ 2 của Glinka, sáng tác dựa theo tác phẩm nổi tiếng của Pushkin, hiện đang được các nhà hát opera nổi tiếng thế giới đưa vào danh mục biểu diễn thường xuyên.
Tiếp đó là những giai điệu lãng mạn, với sự phóng khoáng đến ấn tượng, sự khéo léo trong kết cấu âm sắc phong phú của bản Concerto số 2 của S. Rachmaninov, một trong những đại diện nổi bật cuối cùng của trường phái lãng mạn trong âm nhạc cổ điển Nga. Đây cũng là một trong những bản concerto hay nhất và được yêu thích nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm thứ 3 được biểu diễn trong chương trình lần này là Bản giao hưởng số 5 giọng Mi thứ Op.64 của nhà soạn nhạc thiên tài P.I.Tchaikovski.
Tuy không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông như Hồ thiên nga, Giao hưởng số 6 “Pathestique”, “The Nutcracked”, Overture 1812… nhưng đây lại là bản giao hưởng nổi tiếng nhất trong thế chiến thứ 2, với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Bản giao hưởng gồm 4 chương. Chương I và chương II có không khí ảm đạm, u buồn. Dần dần trong giai điệu valse duyên dáng, thanh lịch của chương III và với tinh thần quyết thắng, quyết vượt qua số phận của chương IV làm cho bản nhạc hào hùng và tràn đầy sự phấn khích… Những tác phẩm âm nhạc kinh điển này sẽ mang lại những cung bậc cảm xúc khó quên cho khán thính giả yêu nhạc cả nước.
Đưa âm nhạc hàn lâm đến công chúngÔng Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết, các chương trình hòa nhạc trước đó chủ yếu biểu diễn những tác phẩm có thời lượng ngắn, dễ nghe. Với tinh thần mang âm nhạc giao hưởng đến gần hơn với người yêu nhạc trên cả nước, chương trình năm nay đặc biệt giới thiệu những tác phẩm đồ sộ của những nhà soạn nhạc Nga vĩ đại, nhằm từng bước nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc hàn lâm của khán thính giả Việt Nam. Với sự tham gia của nghệ sỹ Vũ Ngọc Linh và các nghệ sỹ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy tài tình của nhạc trưởng Honna Tesuji và những giai điệu trữ tình, lãng mạn cổ điển Nga sẽ đưa các khán giả đến những cánh đồng bất tận của cảm xúc.
Chương trình “Hòa nhạc Toyota” là dự án hợp tác giữa Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Quỹ Toyota Việt Nam, với tinh thần mang âm nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng ở khắp mọi nơi. Mục đích của dự án này là xây dựng quỹ học bổng mang tên “Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam”. 18 năm qua, dự án đã hỗ trợ tích cực cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn với các chuyến lưu diễn đến các thành phố lớn trong và ngoài nước. Chương trình cũng đã tạo điều kiện cho các tài năng trẻ Việt Nam có cơ hội tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc như violin Đỗ Phương Nhi, Bùi Công Duy, ca sỹ Tùng Dương, Trịnh Thanh Bình… Đến nay, với 58 đêm hòa nhạc ấn tượng và giàu cảm xúc, với gần 35.000 khán giả, chương trình “Hòa nhạc Toyota” đã trở thành một sự kiện luôn được khán giả chào đón và đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc phổ biến nền âm nhạc bác học tới đông đảo công chúng Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở các đêm nhạc, trong suốt những năm qua, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán vé các chương trình hòa nhạc này đều được sử dụng cho mục đích từ thiện và xã hội. Đến nay, đã có 645 suất học bổng được trao tặng cho các em học sinh, sinh viên xuất sắc của 5 trường âm nhạc Việt Nam, gồm: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. “Năm nay, toàn bộ số tiền bán vé 4 đêm nhạc, cũng sẽ tiếp tục được sử dụng cho chương trình ‘Học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam’, bà Đoàn Thị Yến, Phó tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) cho biết.