Làng gốm Bàu Trúc có tuổi đời hàng trăm năm, là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á đến nay vẫn duy trì phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công. Chỉ với đất sét pha cát cùng dụng cụ là những thanh tre, vỏ sò, ốc biển, chất màu làm từ các loại vỏ cây qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nhào nặn, xoay, tạo hình thành sản phẩm có hồn, đầy sức sống. Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên nên áo gốm màu đỏ pha các vân màu đen xám rất đặc trưng.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ, trước đây, làng gốm Bàu Trúc chuyên sản xuất các đồ gia dụng như lu, chum, vại, lò, ấm, nồi… chủ yếu để tiêu thụ trong tỉnh. Từ một nghề phụ làm trong lúc nông nhàn, hiện nay, gốm Bàu Trúc dần trở thành sản phẩm hàng hóa được đưa đi trao đổi, buôn bán tại các tỉnh, thành lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên và một số tỉnh, thành phố khác.
Trong tiến trình phát triển, gốm Bàu Trúc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời điểm phải cạnh tranh với những mặt hàng sản xuất công nghiệp từ các chất liệu nhôm, nhựa. Tuy nhiên, thị phần của sản phẩm gốm Bàu Trúc không vì thế mà mất đi. Gốm Bàu Trúc dễ sản xuất, sản phẩm đa dạng, có một số tính năng mà sản phẩm làm từ những chất liệu khác không thể thay thế nên đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dùng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi người tiêu dùng có yêu cầu thẩm mỹ cao, làng gốm Bàu Trúc phải tìm hướng đổi mới và phát triển. Đi đầu trong xu thế này là hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc với cách làm kết hợp các yếu tố văn hóa phương Tây, văn hóa Việt vào trong sản phẩm gốm Chăm để cải tiến kiểu dáng, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời phát triển dòng sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du khách.
Muốn phát triển các sản phẩm gốm không thể bó hẹp mãi trong văn hóa Chăm. Tuy nhiên, việc phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Có như vậy, gốm Chăm Bàu Trúc mới có chỗ đứng vững trên thị trường. Từ suy nghĩ đó, các nghệ nhân làng gốm đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã, tạo ra sản phẩm mới với nhiều kiểu lạ, trang trí hoa văn độc đáo, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Phú Hữu Minh Thuần cho hay.
Bên cạnh việc cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, hiện nay hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc đang đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm. Gốm Bàu Trúc hiện có hàng nghìn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Anh Lê Quý Quân, du khách đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ, do sản xuất thủ công nên sản phẩm gốm Bàu Trúc mang tính chất độc bản, có sắc thái riêng, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người Chăm nên không lẫn lộn với các loại gốm khác.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2019, Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc tiếp tục nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho các thành viên đẩy mạnh thiết kế, sản xuất dòng gốm trang trí hiện đại với mẫu mã và hoa văn trang trí mới lạ, độc đáo. Các sản phẩm đáp ứng theo từng mục đích, gu thẩm mỹ riêng để khách hàng lựa chọn trong trang trí nội thất, văn phòng...
Làng Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương; trong đó có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Riêng hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 50 hộ dân, với 150 lao động chuyên sản xuất gốm, trình diễn nghệ thuật làm gốm với hàng ngàn sản phẩm.
Làng gốm Bàu Trúc đang là một trong những điểm đến tham quan nổi tiếng của Ninh Thuận. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời đang trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.