Làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc trước nguy cơ mai một

Làng nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận được xem là cổ xưa nhất ở Đông Nam Á.

Lúc hưng thịnh, cả làng ai nấy cũng hăng say làm gốm, nhưng nay do thiếu sự đầu tư, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, giá cả bấp bênh, thị hiếu khắt khe, thị trường cạnh tranh gay gắt… nên tâm huyết của nhiều nghệ nhân cũng dần phai nhạt. Vì thế làng nghề cổ nức tiếng một thời nay đứng trước nguy cơ mai một.

Trước đây ở làng gốm truyền thống Bàu Trúc, nhà nhà đều nhộn nhịp với nghề làm gốm. Với bao công phu để nhào nặn tạo ra sản phẩm, với tâm huyết và lòng đam mê sáng tạo những chiếc lu, cái chậu, lò đun, ấm đất, tượng phù điêu được các nghệ nhân làm ra luôn mang đầy hơi thở cuộc sống, được mọi người biết đến. Từ đó làng nghề dần đổi thay và có bước phát triển. Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, giờ làng gốm truyền thống Bàu Trúc cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách bởi “thiếu vốn đầu tư, yếu sức tiêu thụ”; nhiều nghệ nhân trước đây giờ tuổi cũng đã xế chiều, trong khi lao động trẻ có tay nghề lại chẳng mấy mặn mà, tâm huyết với nghề gốm.

Làng nghề gốm của đồng bào Chăm ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Nói về khó khăn của làng gốm hiện nay, rất nhiều cơ sở, nghệ nhân làng gốm đều than thở vì không có vốn để đầu tư sản xuất. Để làm gốm thì phải cần nguyên liệu đất sét, cát, thế nhưng nguyên liệu ngày càng khan hiếm, giá cả lại đắt đỏ, trong khi sản phẩm làm ra chủ yếu là dùng để phục vụ đời sống hàng ngày, chỉ có giá 10.000 đồng/cái như lu, chậu, nồi đất, lò đất... Vất vả hơn, đây là những sản phẩm dễ vỡ nên vận chuyển đi các nơi xa rất khó khăn.

Nghệ nhân Hà Mên (56 tuổi), ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân bày tỏ: Tôi có thâm niên hơn 30 năm làm nghề gốm nhưng chưa bao giờ thấy làng gốm, nghề gốm truyền thống lại gặp khó như hiện nay. Trước đây chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện vay 10 triệu đồng/hộ/năm để sản xuất gốm, nhưng nay vay phải thế chấp trong khi bà con không có tài sản gì lớn thế chấp nên không được vay. Để làm ra 500 cái lò đất nấu than thì cần một 1 m3 đất sét và 1 m3 cát, giờ đất sét có giá đến 300.000 đồng/m3, cát 250.000 đồng/m3, trong khi sản phẩm làm ra chỉ có giá 10.000 đồng/cái. Tính bán hết cũng được 5 triệu đồng nhưng nếu trừ chi phí như thuê công lao động, tiền mua nguyên liệu làm gốm, nguyên liệu đốt lộ thiên…cũng chỉ được dưới 1 triệu đồng.

Là nghệ nhân trẻ đầy tâm huyết với nghề gốm truyền thống của đồng bào, anh Vạn Quan Phú Đoan lúc nào cũng khá trăn trở với nghề. Anh Đoan thổ lộ: Hồi năm 2014, chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư cho làng xây 2 lò nung gốm, nhưng lò nung này không phù hợp để nung sản phẩm tạo ra màu sắc truyền thống. Thấy vậy ai nấy cũng bỏ và chuyển sang nung lộ thiên bằng cách đốt nguyên liệu rơm rạ, củi, trấu…


Dù nung lộ thiên làm cho sản phẩm có màu sắc đẹp nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Khó khăn hơn nữa là do người dân làm tự phát, tạo ra sản phẩm rất bình thường nên không hút được thị trường. Các cơ sở làm gốm không có sự liên kết để tạo ra sản phẩm pha truyền thống lẫn hiện đại, đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp. Do đó nghề gốm truyền thống rất khó đứng vững trước sự khắt khe của thị trường hiện nay.

Ông Võ Viết Hiếu, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, năm 2014, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện chiếu sáng, đường giao thông, lò nung gốm, nhà trưng bày sản phẩm khang trang…


Đồng thời Trung tâm khuyến công cùng địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề để sản phẩm gốm làm ra thực sự phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mạ, thu hút được thị hiếu thị trường. Thế nhưng do nhiều khó khăn khách quan nên làng nghề không phát triển như kỳ vọng.

Theo UBND huyện Ninh Phước, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc là niềm tự hào của đồng bào Chăm nơi đây nói riêng và của người dân trong toàn huyện nói chung. Làng nghề cũng có 1 hợp tác xã, 4 công ty trách nhiệm hữu hạn và 9 cơ sở sản xuất gốm. Tuy nhiên do nhiều khó khăn nên tất cả những con số này đều đã giảm so với trước. Nếu như cách đây khoảng 3 năm, cả làng có hơn 550 hộ đều làm gốm truyền thống thì nay con số này chỉ còn vỏn vẹn 150 hộ.


Nhiều nghệ nhân làng gồm Bàu Trúc cho rằng, những người tham gia làm gốm trong làng hiện đã thuộc lớp tuổi cao, sức yếu. Còn lớp trẻ thì rất ít mặn mà với nghề truyền thống. Nếu cứ đà này thì làng gốm truyền thống của đồng bào sẽ sớm bị mai một. Bởi hiện nay việc đào tạo nghề, truyền nghề cho lớp trẻ chưa được địa phương chú trọng. Nhiều lao động trẻ giờ đã ly hương tìm việc làm khác, nguy cơ thất truyền là rất đáng lo.


Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài
Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài

Kiến trúc nhà ở - đó chính là những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên - hiện đứng trước nguy cơ mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN