Thời hoàng kim
Các họa sĩ châu Âu nổi tiếng về nghệ thuật bích họa (tranh tường) như Raphael, Boileau, Masaccio… đều để lại những tác phẩm kinh viện, được trưng bày tại Paris, hàng năm thu hút hàng triệu, triệu khách tham quan. Trái lại, ở cố đô Huế, sau một thời gian dài khoảng hơn 150 năm nghệ thuật tranh tường được tôn vinh, bây giờ, thời kỳ hoàng kim và cực thịnh của nó không còn nữa. Theo TS. Phan Thanh Bình (Đại học nghệ thuật Huế): tranh tường Huế có nguy cơ mai một rất cao. Đa số bị thời tiết ẩm mốc, thiên tai lũ lụt gây hư hỏng. Thiếu thợ giỏi, chất liệu khó tìm, nguyên bản không còn… vì thế muốn phục chế đều không đạt yêu cầu.
Một phần nhỏ của bức tranh “Cửu long ẩn vân”. |
Ngày xưa, tranh tường Huế thuộc trường phái hội họa cổ điển kết hợp nhuần nhuyễn với mô típ phù điêu trang trí, rất độc đáo về bản sắc Việt. Nội dung tranh thường tuân theo các chủ đề hội họa phương Đông. Trong cung đình, tranh vẽ theo những đề tài: ca ngợi đế chế (rồng), mô tả các cảnh đẹp của đất nước và các mùa trong năm. Hầu hết những tranh này đều sử dụng bảng màu lạnh (đen tuyền, xám, chàm).
Loại tranh có chủ đề cụ thể thường minh họa các điển tích trong lịch sử, vẽ bằng gam màu ấm (đỏ, vàng, lục). Loại tranh vẽ tĩnh vật thì chỉ xoay quanh hai chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Đi vào dân gian, tranh tường bao gồm các nội dung: ngũ quả, hoa, mây, sóng, ngư tiều canh mục… nhưng không tinh xảo bằng dòng tranh cung đình. Một bộ phận tranh tường ở chùa chiền, đền miếu được vẽ theo các điển tích tôn giáo: hoa sen, Phật, Thánh Mẫu, Thần tài, Táo quân...
Trưng bày tranh tường ở An Định Cung. |
Màu sắc tranh tường Huế bao gồm hệ ngũ sắc (5 màu) và màu chàm, do ảnh hưởng văn hóa Chăm trên vùng đất Thuận - Quảng. Người Huế đã tổng hợp màu của hệ Ngũ sắc truyền thống (Đỏ, Xanh, Vàng, Trắng, Đen) với ảnh hưởng màu Chàm, tạo thành hệ Ngũ sắc mới là Đỏ, Tím, Vàng, Lục, Xanh. Từ năm màu cơ bản này, người vẽ chọn các cặp màu đối tác.
Chất liệu màu, keo để vẽ tranh tường được chế tác thủ công truyền thống. Cách chế tác bột màu đều làm từ nguyên liệu thiên nhiên, như cây lá, sò điệp. Tạo màu vàng nhạt thì dùng lá đung giã với búp cây hòe. Màu đỏ sẫm thì dùng nước lá bàng. Màu vàng đỏ thì dùng hạt hòe. Màu xanh dương thì dùng hạt mùng tơi... Khi sử dụng, màu vẽ trộn với một loại keo, giữ được hàng trăm năm không phai, và chống mối mọt. Đến nay, công thức bào chế keo thuốc vẫn là một bí mật.
Tinh hoa mai một
Đầu tiên, bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân thuộc vào công đoạn pha chế màu, không phai, chống được ẩm mốc, côn trùng phá hoại tranh. Điển hình nhất là bức tranh “Cửu long ẩn vân” trong lăng Khải Định. Tác giả là nghệ nhân số 1 Phan Văn Tánh. Ở đây đặc biệt là đã trải qua gần 1 thế kỷ, nhưng không hề có nhện bám trên bức vẽ, mặc dù cung điện có rất nhiều mạng nhện. Đến bây giờ các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được, ngày xưa ông Tánh đã sử dụng loại thuốc gì trên nước sơn mà không nhện không bám? Đáng tiếc, mỗi nghệ nhân bậc thầy đều có bí quyết vẽ, pha màu, chế keo hết sức đặc sắc, nhưng không truyền dạy cho người ngoài, nên về sau bị thất truyền.
Thứ hai, nghệ thuật độc đáo của tranh tường Huế là thủ pháp đặt và chồng màu trước, sau, đậm, nhạt. .. cuối cùng là chọn màu nền. Đến nay kết quả nghiên cứu về tranh tường Huế chưa đầy đủ, nhưng các nhà nghiên cứu mỹ thuật phải "ngả mũ cúi chào" trước những tinh hoa hội họa đạt đến mức tinh xảo về đường nét, hài hòa về bố cục. Trong lăng Khải Định, tại cung Thiên Định, hiện vẫn còn bức tranh "Cửu long ẩn vân" - 9 con rồng ẩn trong mây do họa sĩ danh tiếng Phan Văn Tánh vẽ.
Tranh tường ở An Định Cung cũng thuộc hàng độc đáo, kích thước lớn nhất ở Huế. Các mô típ trang trí của châu Âu đã được thể hiện cùng đề tài trang trí cổ điển Việt Nam một cách nhuần nhuyễn, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Mỗi bức tranh có kích thước khoảng 1,8m x 1,4m hoặc 1,8m x 1m. Sang giúp đỡ phục chế, các chuyên gia bảo tồn Đức đã phải làm việc cần cù, liên tục trong 3 năm (2005 - 2008) mới xong được 3.610 m2 tranh cổ trên tường và trần nhà.
Bài và ảnh: Vũ Hào