Lại “đến hẹn” với giải thưởng Bùi Xuân Phái

Ngày 23/9, giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động, sẽ chính thức được trao cho những đề cử xứng đáng. Lại thêm một năm để làm dầy thêm danh sách những tình yêu Hà Nội, những sự tận tâm với Thủ đô được vinh danh trong giải thưởng có uy tín rất lớn này.

Những đề cử “đích đáng”

Cũng phải qua nhiều trăn trở và nhiều chọn lựa như những năm trước, hội đồng giám khảo giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2015” mới thông qua được một danh sách đề cử chính thức của giải thưởng.

Với đề cử “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội”, giải thưởng “đáng giá” nhất trong danh mục các giải thưởng, nhân vật được đề cử vẫn được BTC giữ trong bí mật và chỉ được tiết lộ tại lễ trao giải.

Thượng tá Lê Đức Đoàn được đề cử “Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội”.


3 đề cử “Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” năm nay, đều là những sự kiện, nhân vật rất đáng được quan tâm. Trong đó, có 2 đề cử là những việc làm của chính quyền Thủ đô. Đề cử thứ nhất là việc thành lập Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô (Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội) vì Trung tâm sẽ là “ngôi nhà chung” của các nhà khoa học “vì tình yêu Hà Nội”, góp phần đưa ngành Hà Nội học trở thành một ngành khoa học cơ bản, liên ngành phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô. Đề cử thứ hai là chuỗi các sự kiện, hoạt động thuộc dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” (Sở VH,TT&DL Hà Nội) nhằm góp phần xây dựng cách ứng xử văn minh, thanh lịch cho người Hà Nội và các dịch vụ ở Hà Nội hay quảng bá “những góc nhìn nghệ thuật” đẹp về Hà Nội.

Cùng với hai đề cử mang “tầm cỡ” này, có một đề cử rất “đi vào lòng người” chính là đề cử: Những việc làm của thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn - Người tử tế giữa lòng Hà Nội, công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012; vì trong gần 20 năm “gác” cầu Chương Dương, ông không chỉ tận tụy với nghề mà còn giúp đỡ, cứu sống được gần 40 người có ý định tự tử tại đây, đồng thời góp phần mang lại niềm tin, hình ảnh đẹp về người CSGT trong lòng người dân Thủ đô. Chắc chắn nhiều người còn nhớ thời điểm cách đây gần 1 năm, khi thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn nghỉ hưu sau 40 năm công tác, trong đó có 20 năm đứng chốt phía Nam cầu Chương Dương; rất nhiều người dân, lái xe... đã đi qua để chào tạm biệt ông. Điều này cũng đã là một minh chứng cho sự lay động trái tim của những việc làm của ông. Với một con người như vậy, có lẽ đề cử “Giải việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” là quá xứng đáng với ông!

Đều rất sâu nặng

Có 3 tác phẩm được đưa ra trong đề cử “Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội”, đều là những tác phẩm đã gây được dư luận trong năm qua. Đó là: Sách ảnh “Hà Nội Capital” do TS Michael Waibel (quốc tịch Đức) làm Chủ biên và các cộng sự là cuộc đối chiếu những đổi khác của Thủ đô trong 20 năm qua với những hình ảnh cùng một góc chụp từ quá khứ, tới hiện tại với những phân tích và khuyến nghị hướng phát triển thành phố trong tương lai; Chùm tác phẩm về Hà Nội của nhà văn Trần Chiến (“A đây rồi Hà Nội 7 món”, “Cậu ấm”) đã “vẽ” lại Hà Nội bằng nhiều mảng màu, nét họa khác nhau, nhằm làm nổi bật “tính cách riêng” của Hà Nội ngày nay so với trước đây, trong đó “Cậu ấm” (NXB Trẻ) dày 504 trang, nhưng nặng bởi số phận những con người trải dọc theo lịch sử Hà Nội, còn “A đây rồi Hà Nội 7 món” (Quảng Văn và NXB Hội Nhà Văn) lại chinh phục người đọc bởi cái tên trẻ trung và lối viết thâm trầm...

Và cuối cùng là chùm phim tài liệu “Hard rails across a gentle river” (tạm dịch: Cầu bắc ngang sông) của các tác giả Trần Thanh Hiên, Phạm Thu Hằng, Đỗ Văn Hoàng. “Hard Rails Across A Gentle River” phản ánh khu vực quanh cầu Long Biên bao gồm khu vực dưới chân cầu, bãi giữa, trên cầu, và khu chợ xung quanh cầu. Cuộc sống của cộng đồng cư dân xung quanh khu vực cầu Long Biên, nhìn dưới góc độ phim ảnh cực kỳ thú vị. Có lẽ không phải cây cầu nào trên thế giới cũng có những cảnh tượng như ở cầu Long Biên. Không chỉ người nước ngoài thấy lạ, mà ngay cả những người sinh sống tại Hà Nội cũng có thể sẽ thấy lạ, khi tìm hiểu về cộng đồng cư dân xung quanh khu vực cầu Long Biên. Tổ hợp phim này vừa đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Tài liệu quốc tế Salaya lần thứ 2 (Salaya International Documentary Film Festival) tại Bangkok, Thái Lan.

Cuối cùng, 3 đề cử “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội” năm nay đều là những ý tưởng thiết thực với Thủ đô; gồm: Dự án Xây dựng các đập dâng sông Hồng nhằm khôi phục lại dòng chảy của nhóm các nhà khoa học Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nhằm cải thiện giao thông thủy của Hà Nội về mùa khô, tàu bè không bị mắc cạn, giải quyết vấn đề ô nhiễm nhức nhối trên sông Nhuệ, sông Đáy của Thủ đô hiện nay; Đề án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) nhằm “tái sinh” các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác; trong đó, quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính Thiên; Chùm đồ án đoạt giải Cuộc thi tuyển Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu vì các đồ án đã thể hiện vừa tạo điều kiện tốt nhất cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, vừa là kiến trúc hấp dẫn, hòa nhập với khung cảnh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, đồng thời mang dấu ấn Thăng Long - Hà Nội.

PV
Sắc màu Hà Nội qua giải thưởng  Bùi Xuân Phái
Sắc màu Hà Nội qua giải thưởng Bùi Xuân Phái

Những ngày cuối cùng của tháng Tám, không cần nhắc cũng nhớ, người Hà Nội lại ngong ngóng về giải thưởng mang tên người họa sĩ của phố Hà Nội: Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN