Kỷ niệm làm ni cô Huyền Trang

“Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân có thể coi là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, khi nói về giải phóng Sài Gòn. 30 năm qua, bộ phim này vẫn đều đặn được công chiếu cho khán giả, nhất là vào những dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Và, những ai đã xem "Biệt động Sài Gòn", đều không thể quên được hình ảnh ni cô Huyền Trang (do Thanh Loan thủ vai), với đôi mắt buồn thăm thẳm, khiến nhiều người xem bị “ám ảnh”. Có lẽ vì thế mà cái tên "ni cô Huyền Trang" cũng gắn liền với NSƯT Thanh Loan cho đến tận bây giờ.

Vai diễn để đời

NSƯT Thanh Loan kể, hơn 30 năm trước, khi ấy bà đang là phát thanh viên Truyền hình An ninh. Trong một lần vào Sài Gòn công tác, bà vô tình gặp họa sỹ Trịnh Thái và đạo diễn Long Vân, đúng lúc đạo diễn đang “đau đầu”, vì phim đã quay gần xong tập 1 mà vẫn chưa tìm được người đóng vai ni cô Huyền Trang. Chỉ trong thời gian tiếp xúc ngắn ngủi của cuộc gặp tình cờ cả họa sỹ và đạo diễn tin chắc rằng, khuôn mặt “từ bi hỉ xả” của Thanh Loan rất phù hợp với vai diện ni cô Huyền Trang xinh đẹp, nên đã mời Thanh Loan tham gia đóng phim ngay. “Nhận lời mời, tôi vẫn còn lưỡng lự, và yêu cầu đạo diễn cho xem kịch bản. Đến khi đọc xong kịch bản thì tôi bị thuyết phục hoàn toàn”, NSUT Thanh Loan chia sẻ.

NSƯT Thanh Loan trong vai Ni cô Huyền Trang phim Biệt động Sài Gòn.

Dù bị vai diễn trong phim thuyết phục, nhưng khó ở chỗ, bộ phim phải quay thời gian khá dài, toàn bộ các cảnh quay trong Sài Gòn, đi lại rất khó khăn, trong khi đó, với tính chất công việc của mình, rất khó có thể xin phép cơ quan được. Vậy là, ekip làm phim đã phải đến làm việc với lãnh đạo cơ quan, nơi bà làm việc, kiên trì xin phép từng năm một, để mỗi năm bà có thể vào Sài Gòn quay chừng 3 - 6 tháng. “Cũng may là lãnh đạo cơ quan rất thông cảm và tạo điều kiện để cho tôi có được vai diễn để đời”, NSUT Thanh Loan tâm sự.

Nói về những kỷ niệm khó quên trong quá trình hóa thân thành nữ biệt động dưới lớp áo tu hành, NSƯT Thanh Loan cho biết, để vào vai ni cô Huyền Trang, bà đã phải hy sinh mái tóc dài mà bà rất thích. Rồi để vào vai ni cô nhuần nhuyễn, bà đã vào chùa ở một tuần, học cách tụng kinh, gõ mõ, rồi học cách đi đứng, nói năng ra sao cho giống người tu hành. Một nhà sư đi khất thực thì phải bước đi từng bước một khoan thai như thế nào, ánh mắt phải nhìn xuống, không được nhìn lên hay liếc ngang liếc dọc ra sao. Để diễn cảnh quay phải ngồi ghế điện, bà đã phải đi tìm hiểu xem người bị điện giật thì sẽ có những biểu hiện thế nào…

Một cảnh trong phim.


NSƯT Thanh Loan kể, đóng phim “Biệt động Sài Gòn” vất vả lắm. Ngày xưa đóng phim cái gì cũng phải làm thật. Từ cảnh lội xuống đầm nước ngập quá bụng để đẩy thuyền cứu anh Tư Chung bị thương, đến cảnh phải đi khất thực giữa trời nắng chang chang, bỏng rát hết cả mặt. Rồi để quay được cảnh ni cô Huyền Trang khất thực dưới mưa, đoàn làm phim phải điều 4 xe cứu hỏa, thay nhau làm mưa xối xả. Theo đúng kịch bản, ni cô bị ngất, mà Thanh Loan khi diễn đến cảnh ấy cũng bị… ngất thật, vậy nên đúp quay ấy đạo diễn ưng luôn. Khổ nhất là những cảnh Huyền Trang bị tra tấn vào ban đêm, nước lạnh dội mạnh từ trên đầu xuống, rét run. Tuy nhiên, cũng có những cảnh quay đầy lãng mạn khiến bà thực sự xúc động, như cảnh bà hồi tưởng lại giây phút chia tay người yêu khi anh tập kết ra Bắc. Hình ảnh anh bộ đội trên bờ đánh đàn măng đô lin, còn Huyền Trang ở dưới sông hát theo được thể hiện rất tinh tế.

Một trong những kỷ niệm đặc biệt, khó quên không chỉ với riêng Thanh Loan, mà với cả đoàn làm phim, đó là để có thêm thông tin, tư liệu về lực lượng biệt động, để bộ phim gần với thực tế hơn, đạo diễn Long Vân đã phải nhờ Thiếu tướng Hải Phụng giới thiệu cho gặp những chiến sĩ biệt động năm xưa, những nhân vật anh hùng như Tư Chu, Bảy B, Tám Thậm … để thu thập thêm thông tin phục vụ cho bộ phim. Cũng nhờ đó mà NSƯT Thanh Loan cũng như các thành viên trong đoàn làm phim đã có cơ hội được gặp được những chiến sỹ biệt động “thứ thiệt”, là nguyên mẫu của các chiến sỹ biệt động trong phim.

Không vai diễn nào vượt được “bóng” Huyền Trang

Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, NSƯT Thanh Loan bén duyên nghệ thuật từ rất sớm, khi mới 15 tuổi. Trước “Biệt động Sài Gòn”, bà đã từng đóng gần 20 bộ phim như "Người về đồng cói", “Bài ca ra trận”, "Phương án ba bông hồng", "Nơi tình yêu đã chết", "Bí mật thành phố cấm", "Bản đề án bị bỏ quên"… Tuy nhiên, vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn" đã trở thành đỉnh cao trong nghề nghiệp của bà. Có thể nói, suốt cả 4 tập của bộ phim, NSƯT Thanh Loan vào vai “ngọt” đến độ, sau này, nhiều người khi gặp bà ngoài đời, không nhớ được tên bà, họ chỉ biết gọi bà là “ni cô Huyền Trang”.

NSƯT Thanh Loan hiện nay.

NSƯT Thanh Loan chia sẻ, hồi đó đóng phim khó khăn nhưng các diễn viên rất yêu thương nhau. Khán giả miền Nam cũng tạo điều kiện để đoàn làm phim hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nhiều cơ quan, đoàn thể, khán giả tham gia đóng vai quần chúng nhưng từ chối nhận cát xê. Có công ty sẵn sàng cho đoàn làm phim mượn xe ô tô mà không lấy tiền.

“Biệt động Sài Gòn” gồm 4 tập phim: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông” và “Trả lại tên cho em”. Trong đó, mỗi tập phim đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong nhiệm vụ “đưa chiến tranh vào thành phố” của lực lượng biệt động thành, theo chỉ thị từ trung ương. Hình ảnh những chiến sỹ biệt động dũng cảm, can trường chiến đấu chống lại kẻ thù, đã phần nào giúp người xem hiểu được những khó khăn, vất vả, những mất mát, hy sinh trong quá trình hoạt động cách mạng, cũng như những chiến công hiển hách của các chiến sỹ biệt động thành năm xưa. Dù trải qua thời gian, qua nhiều thế hệ, nhưng bộ phim “Biệt động Sài Gòn” vẫn còn sống mãi với thời gian.

Phim quay trong Sài Gòn, mà NSƯT Thanh Loan lại sống và làm việc ngoài Hà Nội, nên trong 4 năm ấy, bà đi đi, về về giữa Sài Gòn - Hà Nội liên tục. Thời gian đó, chồng bà lại sang Đức làm luận án tiến sỹ khoa học, các con của bà đều nhờ mẹ chồng chăm sóc. Rất may là mẹ chồng bà rất tâm lý, lại thương con dâu, nên không chỉ giúp bà chăm sóc con cái, mẹ chồng còn luôn động viên bà cố gắng đóng phim cho tốt…

Với thành công của vai ni cô Huyền Trang, sau này một số đạo diễn đến mời bà tham gia đóng phim, nhưng bà đã từ chối. “Sau vai ni cô Huyền Trang, tôi thấy nghiệp diễn viên của mình đã lên đến đỉnh cao, không có vai diễn nào của tôi có thể vượt qua được “bóng” của vai diễn này nữa. Sau này, cũng có một số đạo diễn đến mời tôi tham gia đóng phim, nhưng phần vì công việc cơ quan bận rộn, phần nữa là khi đọc các kịch bản, tôi cũng không cảm thấy xúc động với vai diễn nữa, nên tôi không muốn tham gia đóng phim nữa. Và đến nay tôi cũng không cảm thấy hối tiếc, vì tôi cho rằng mình đã dừng đúng lúc”, NSƯT Huyền Trang chia sẻ.
Lan Lộc
Xây Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn tại Dinh Độc Lập
Xây Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn tại Dinh Độc Lập

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN