Tại sự kiện Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới" diễn ra sáng 18/3, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Thời điểm mở cửa thị trường khách quốc tế cũng là lúc cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.
Chương trình liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2022.
TP Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.
Từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, các trục du lịch liên kết bao gồm: Tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa; tuyến du lịch “Non nước hữu tình” và tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” đã phát triển hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh.
Ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL gần như "đóng băng" suốt thời gian dài do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương đã triển khai mở cửa từng bước, hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trước đó, trong 2 ngày 16 và 17/3, đoàn công tác về du lịch của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ đã tham gia khảo sát du lịch tại tỉnh Bạc Liêu trong khuôn khổ hội nghị. Theo đó, có tới 8/15 điểm du lịch của TP Bạc Liêu như Khu điện gió Bạc Liêu, Chùa Xiêm Cán, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu… được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm đến tiêu biểu. Đây là tín hiệu vui cho kỳ vọng sớm nhộn nhịp đón khách trở lại của ngành du lịch địa phương.
Các tỉnh, thành phố khác của ĐBSCL cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh đã ban hành chương trình "Cà Mau điểm đến năm 2022" nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến với Cà Mau trong năm 2022, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những trận đua vỏ lãi trên bãi bồi Đất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, lễ xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…
Trong khi đó, ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thông tin tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hộ dân, cộng đồng thực hiện chuyển đổi số, phát triển mô hình mới, xây dựng nền tảng hệ thống bản đồ số du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Đưa ra ý kiến chỉ đạo về công tác phục hồi du lịch, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong bối cảnh mới, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại. Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp thành phố đã khảo sát trong năm 2020.
Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn và nhất là phải bảo đảm cho du khách an toàn với COVID-19; sản phẩm du lịch bằng đường thuỷ kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hoá, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác…
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng thực hiện nhất quán quy định của Bộ Y tế và ban hành các quy định phòng chống dịch bệnh, quy trình xử lý liên quan đến COVID-19 kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tour tuyến và tạo sự an tâm, khuyến khích du khách đi du lịch.