Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền của những dân tộc bản địa tại địa phương, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều phương án tối ưu, đồng bộ để nâng cao ý thức của giới trẻ về gìn giữ văn hóa cộng đồng, cũng như quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Tây Nguyên. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, nhiều khu di tích cấp quốc gia vẫn chưa được đầu tư tôn tạo, điều này nếu kéo dài, có thể làm mai một, thậm chí mất đi những giá trị vật chất, tinh thần của một số nền văn hóa lâu đời tại Tây Nguyên, đơn cử như Khu di tích quốc gia Plei Ơi tại xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai).
Trăn trở việc bảo tồn
Với lời giới thiệu nơi đây đã từng tồn tại Vương quốc Hỏa Xa - một nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Jarai, chúng tôi đến thăm Plei Ơi với đôi chút tiếc nuối. Ngoài vài căn nhà sàn, căn nhà Rông vừa mới dựng và một số hiện vật di tích trưng bày trong nhà Rông chính để đánh dấu khu trung tâm, Plei Ơi không còn gì nhiều như lời kể mặc dù trong quy hoạch, khu vực này rộng khoảng hơn 120 ha.
Là nhà nghiên cứu văn hóa bản địa có tiếng trong khu vực, Thạc sỹ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, Pơtao Apui hay Vua Lửa là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo ở Tây Nguyên và Đông Nam Á. Năm 1993, làng Vua Lửa (Plei Ơi, xã Ayun Hạ) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến nay không nhiều người biết về di sản lịch sử, văn hóa này.
Ông Nguyễn Quang Tuệ cho biết thêm, các cuốn sách của tác giả Jacques Dournes được dịch sang tiếng Việt, giúp người đọc có cái nhìn phong phú hơn về những vị "vua không ngai" này. Bao trùm lên cuộc đời thực của các Vua Lửa là những huyền thoại, kiểu như sở hữu gươm thần tạo nên sức mạnh vô song, có tài gọi mưa hoặc khi các ông đi qua làng không ai dám nhìn, vì sợ hỏng mắt… Người Jrai, Bahnar tại Tây Nguyên đều thể hiện sự kính trọng, nể sợ đối với Vua Lửa. Theo họ, trong xã hội có nhiều biến động trước năm 1975, các Vua Lửa chính là một giá trị mang tính truyền thống, một điểm tựa để các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ và xung quanh có thể vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Trăn trở, tâm huyết về việc bảo tồn Khu di tích quốc gia Plei Ơi, ông Nguyễn Quang Tuệ nhận định, khu di tích này đang bị mất dần theo thời gian. Các yếu tố gốc của di tích không còn nhiều. Nguồn lực (kinh phí và con người) địa phương dành cho Plei Ơi chưa đáng kể so với tầm vóc của di tích. Ngoài ra, vì nhiều lý do, công tác quản lý di tích thời gian qua cũng còn những bất cập, vắng khách tham quan, thiếu người hướng dẫn, thiếu cả danh sách các vị Vua Lửa trong nhà trưng bày... Nhưng dù thế nào, vẫn phải chung tay vực dậy di sản văn hóa độc đáo này.
Ông Nguyễn Quang Tuệ cho rằng, khá nhiều sách báo, phim ảnh về Vua Lửa được thực hiện cả ở trong và ngoài nước, tuy nhiên huyện Phú Thiện vẫn chưa được cập nhật. Thiếu tài liệu, công tác truyền thông yếu và chưa thực sự hướng đến những người trẻ là một trong những nguyên nhân khiến Plei Ơi không được nhiều người biết. Nhìn từ góc độ dân gian, Vua Lửa là huyền thoại nhưng trên thực tế, các vị vua thần quyền này cũng là một phần của lịch sử địa phương. Trong ý nghĩa đó, sau gần 30 năm được công nhận, ngày nay, Di tích quốc gia Plei Ơi cần tiếp tục được đầu tư, tôn tạo đúng cách.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND huyện Phú Thiện ngày 5/9/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, để bảo tồn, phát huy các giá trị của Khu di tích quốc gia Plei Ơi, từ nay đến năm 2025, Plei Ơi cần được đầu tư đối với các dự án cấp bách như làm đường vào di tích, tái hiện 33 ngôi nhà sàn, bảo tàng văn hóa, không gian nhà mồ Vua Lửa, hồ sen, tái hiện lễ hội qua các bức tượng phục dựng. Các dự án kể trên thể hiện tâm huyết và tầm nhìn của lãnh đạo địa phương, tuy nhiên, do kinh phí địa phương có hạn, tỉnh Gia Lai cần thêm thời gian để có đủ nguồn vốn đầu tư. Trong khi chờ vốn, huyện Phú Thiện có thể trồng trước cây xanh để làm bóng che cho du khách tham quan.
Về phía địa phương, ông Phạm Văn Trần Hưng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Thiện cho biết, trước đây, huyện có Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch huyện Phú Thiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là khai thác hiệu quả tuyến du lịch Phú Thiện - Chư Sê, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn. Do đó, huyện Phú Thiện rất mong muốn UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ địa phương nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và biến khát vọng phát triển của huyện Phú Thiện sớm trở thành hiện thực.
Hy vọng sớm phục dựng di tích đã mai một
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, Di tích quốc gia Plei Ơi được UBND tỉnh Gia Lai giao UBND huyện Phú Thiện quản lý vào năm 1993. Từ đó đến nay, tuy đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư tôn tạo bảo tồn, tuy nhiên do diện tích rộng, đầu tư còn manh mún, thiếu tập trung, di tích này đã ngày càng mất dần bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn, không gian sinh hoạt và thờ tín ngưỡng truyền thống dần bị mai một, cảnh quan môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Già Siu Phơr, già làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ tâm tư, trước đây chỗ này còn lưu lại nhiều di tích như: Gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang; khu nhà mồ Pơtao APuih, khu nhà của người Jrai xưa, khu bến nước… Theo quan niệm của người Jrai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có vị thần ban cho những hạt nước mang lại sự sống cho vạn vật đó là Thần mưa - Vị thần mang lại may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người Jrai có 14 đời; vua lửa "Pơtao Apui" đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hay đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán, mất mùa. Cho nên hàng năm, người Jrai tiến hành nghi lễ cầu mưa nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh.
Già Phơr cũng ngậm ngùi rằng, hiện tại ngoài một số hiện vật đang được lưu giữ tại nhà Rông thì các di tích khác đang ngày một mai một. Cứ đà này, thế hệ con cháu sẽ không còn được biết về lịch sử cha ông nữa. Ông thay mặt bà con Plei Ơi, mong chính quyền địa phương sớm có phương án phục dựng, bảo tồn Khu di tích Plei Ơi để văn hóa bản địa được lưu truyền.
Góp sức nhỏ trong công tác bảo tồn, lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã Ayn Hạ vẫn luôn có những kế hoạch bảo tồn văn hóa riêng của họ. Anh Phạm Nguyên Hoàng, Bí thư Đoàn xã Ayun Hạ cho hay, để giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, hằng tuần, đoàn xã luôn bố trí đoàn viên thanh niên đến quét dọn sạch sẽ khu bảo tồn văn hóa Plei Ơi. Ngoài ra, mỗi kỳ kết nạp đoàn viên mới cũng sẽ được tổ chức ngay tại nhà Rông Plei Ơi này, vừa cho các em chơi những trò chơi dân gian và phối hợp tuyên truyền cho các em những kiến thức văn hóa nơi đây.
Hy vọng, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, Plei Ơi sẽ sớm phục dựng được những di tích đã mai một, góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên hiện có, cũng như tạo đà phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một đi lên.