Không gian trưng bày giới thiệu đến người xem mẫu trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân: Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội), Đặng Duy Linh (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), Năm Tuyền (TP . HCM), Nguyễn Minh Đời (Cần Thơ)... Bên cạnh đó, là sản phẩm lụa của các nghệ nhân: Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội), Lê Đăng Toàn (La Khê, Hà Đông, Hà Nội), Phong Thư (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), Phạm Văn Thực (Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam).
Đây là những nghệ nhân đã và đang đồng hành với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Áo dài truyền thống, đưa các giá trị truyền thống từng bước vào đời sống văn hóa đương đại .
Bên cạnh việc tìm hiểu sản phẩm áo dài của các nghệ nhân, du khách còn có dịp được tiếp cận với các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân may, nghệ nhân dệt lụa và để được tư vấn cách may, cách mặc áo dài.
Áo dài hiện đại ngày nay tiền thân là áo ngũ thân tay chẽn đã trải qua biến động của thời gian. Hình ảnh nguyên bản của trang phục áo dài truyền thống đã mất dần trong đời sống hiện đại, đặc biệt là trang phục áo dài dành cho nam giới.
Bà Trần Thị Thuý Lan, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Trên con đường tìm về bản sắc Việt, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay, trong nhiều năm qua, các thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt cùng các nghệ nhân may, dệt vải đã và đang nỗ lực nghiên cứu may, mặc nhằm đưa trang phục áo dài truyền thống vào đời sống. Đồng thời từ lâu, trong các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản truyền thống, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các chương trình nhằm tôn vinh áo dài như triển lãm, trình diễn, hội thảo, tọa đàm… Các hoạt động đó đã thu hút được công chúng, các đơn vị, cá nhân tham gia, phần nào quảng bá được các giá trị áo dài truyền thống và áo dài hiện đại của cả nam và nữ.”
Bà Trần Thị Thuý Lan nhấn mạnh: “Trong thời gian diễn ra chương trình, hàng tuần sẽ diễn ra các buổi tọa đàm, trao đổi giữa nghệ nhân, nhà nghiên cứu, công chúng về cách may, mặc áo dài truyền thống. Sự kiện này trở nên ý nghĩa hơn khi cả nước đang hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động lễ hội có các nghi lễ truyền thống. Trang phục áo dài sẽ là một sự lựa chọn phù hợp nhất với mọi người khi tham gia các hoạt động này.”
Trước đó, vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, ngày 23/11/2020, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng đã phối hợp với CLB Đình làng Việt, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt tổ chức Ngày hội Áo dài truyền thống. Hoạt động này đã tạo sự thu hút đối với cộng đồng, các nghệ nhân may, dệt quan tâm hưởng ứng.