Với truyền thống văn hiến được hun đúc từ bao đời nay, hệ thống di sản văn hóa đa dạng và là nơi tỏa sáng trí tuệ của con người… Thăng Long - Hà Nội hội tụ những lợi thế sáng tạo ít nơi nào có được. Mạch nguồn ấy đã tiếp nối qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc và đến ngày nay, người Hà Nội tiếp tục khơi nguồn, phát huy tinh thần Thăng Long, vận dụng sáng tạo vào cuộc sống. Đó là nền tảng vững chắc, để hôm nay, người Hà Nội tự hào mảnh đất mình đang sống là một trong 180 thành phố trên thế giới được vinh danh Thành phố sáng tạo.
Thăng Long - Đô thị sáng tạo trong lịch sử
Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình phát triển, ngày càng tỏa sáng với sự sáng tạo các giá trị văn hóa. Đó chính là yếu tố giúp đô thị này phát triển rực rỡ trong hàng thiên niên kỷ, dù phải đối mặt với những điều kiện, thử thách vô cùng gian khó và ác liệt. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Thăng Long chính là một đô thị sáng tạo trong lịch sử, có sức sống mạnh mẽ, lâu bền.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người đã có bề dày nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội cho biết, yếu tố sáng tạo đầu tiên là, Thăng Long được vua Lý Công Uẩn chọn đặt ở “trung tâm trời đất”, “thế rồng cuộn, hổ ngồi”, “nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Người chọn vị thế đó thể hiện tầm nhìn sáng tạo, xuyên thấu nghìn năm trước và thấy được tương lai phát triển cả nghìn năm sau. Vị thế địa lý đó đã tạo cơ sở để các triều đại khác quy tụ, phát huy được cao độ sức mạnh đất nước, sức mạnh dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tính sáng tạo của Kinh đô Thăng Long thể hiện khá tập trung ở quy mô và cấu trúc của tòa kinh thành. Ba vòng thành hỗ trợ, che chở nhau theo mô hình “Tam trùng thành quách”, là mô hình kiến trúc thường thấy của các tòa vương thành hay quân thành ở các nước phương Đông. Tuy vậy, vua Lý Công Uẩn không dập khuôn, máy móc, mà xây dựng nương theo sông hồ và cảnh quan thiên nhiên một cách hợp lý, hài hòa và tiện lợi. Tại Cấm thành, khu vực núi Nùng là nơi thông thiên địa, nơi linh thiêng nhất, được các triều đại xây dựng điện Càn Nguyên, đến điện Thiên An và sau là điện Kính Thiên.
Cảm xúc tuôn theo mạch kể, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc cho biết, tổ chức thành Thăng Long thấm đẫm tư tưởng thân dân mà hiếm có tòa vương thành hay quân thành phương Đông nào có được. Ví như, ngay trước điện Thiên An, là nơi tối linh thiêng của triều đình nhưng Vua Lý Thái Tông cho đặt 2 lầu chuông để cho người có oan khuất đến đánh chuông báo cho Vua biết. Hay trước tòa điện, nhà Vua cho làm sân Long Trì cho tổ chức các lễ hội để dân kinh thành cùng vào dự. Khu vực ngoài thành, nhà Vua cho xây dựng nhiều đền đài, cung điện, hành cung và chùa triền. Đó chính là bức tranh đặc biệt của Hoàng thành Thăng Long, sức sống của tòa thành Thăng Long khơi nguồn từ sức sống bất tận của dân gian.
Phố thị Thăng Long là nơi thu hút mọi nguồn lực phát triển và sáng tạo của cả nước, đặc biệt của tứ trấn Đông – Đoài – Nam – Bắc. Thành Thăng Long có thế tựa sông, dựa núi, lấy sông Hồng làm con đường phía trước, tựa vào dãy núi Tam Đảo, Ba Vì phía sau; khai thác cả không gian văn hóa lịch sử bốn phía. Cư dân các xứ đó đổ về, mang sáng tạo trong cuộc sống, nghề nghiệp của họ để tồn tại; tạo nên một kết cấu đặc biệt của đô thị Thăng Long, tạo mối quan hệ mạnh mẽ giữa thành thị và nông thôn. Đó chính là nền tảng cho sự sáng tạo, tạo ra sức mạnh nguồn lực con người Thủ đô và chính là cơ sở để Thăng Long – Hà Nội tồn tại và phát triển cả nghìn năm lịch sử.
“Chỉ có khai thác giá trị truyền thống, đặt trong thời đại mới, chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc để xây dựng Thành phố sáng tạo theo đúng yêu cầu của UNESCO, nhưng vẫn giữ được bản sắc của đô thị sáng tạo Thăng Long - Hà Nội trong suốt nghìn năm qua” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.
Khơi thông nguồn lực
Bấy lâu nay, nhìn vào các di sản tiêu biểu của Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc… người ta thường nghĩ ngay đến các giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử tại đó. Nhưng nếu nhìn vào góc độ sáng tạo, bất kỳ ai cũng phải thừa nhận sự tài hoa, trí tuệ mà cha ông đã để lại cho thế hệ sau, tạo nên những tài sản vô giá.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, đã có thời gian dài gắn bó tâm huyết với di sản văn hóa Hà Nội, cũng chia sẻ: Từ cách chọn vị trí, cấu trúc không gian, thiết kế kiến trúc, bài trí hiện vật… ở từng di tích, đã chứng tỏ trí tuệ, sự tài hoa, sáng tạo của các bậc tiền bối. Mỗi di tích đều có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển nghệ thuật, kiến trúc của dân tộc mà nhìn vào đó, người ta có thể nhận biết được.
Không chỉ có hệ thống di tích với 5.922 điểm mà Hà Nội còn sở hữu tới 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội, khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu và là địa phương có nhiều di sản văn hóa nhất cả nước. Bên cạnh sự sáng tạo của lịch sử, hệ thống di sản này cũng khẳng định tiềm năng, lợi thế khi Hà Nội đang từng bước thúc đẩy sáng tạo trên con đường phát triển bền vững.
Ngày nay, nguồn lực sáng tạo của Hà Nội được đánh giá rất dồi dào, đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Nhiều trường văn hóa - nghệ thuật, trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống, hay các ngành nghệ thuật mới của Đại học FPT, RMIT… đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình, cùng những tên tuổi của các nghệ sĩ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội. Những không gian sáng tạo được thử nghiệm với Manzi, Nhà sàn Collective… hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo, dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh… đã giúp tạo ra những môi trường sáng tạo cho thành phố.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, nguồn lực sáng tạo cũng được thể hiện cụ thể qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo của Hà Nội. Số liệu năm 2018 cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm 3,7% GRDP của thành phố). Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa và 1.436 doanh nghiệp thời trang. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa, giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với truyền thống và tiềm năng sáng tạo, Hà Nội có nhiều lợi thế để vận dụng, phát huy sáng tạo trong quá trình phát triển thành phố, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Hiện tại, các không gian sáng tạo - một thành tố cốt yếu để phát triển Thành phố sáng tạo, đang hiện diện ngày một nhiều, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị.
Bài 2: Tạo nên sức hấp dẫn mới