Bởi là mô hình mới nên các không gian sáng tạo ở Hà Nội đang gặp không ít vướng mắc trong quá trình phát triển. Thế nhưng những lạc quan mới bắt đầu hé mở khi thành phố đang ưu tiên phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Đây sẽ là môi trường tốt để hình thành nhiều hơn các không gian sáng tạo, thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo.
Những va đập ban đầu
Bài học về tổ hợp Zon 9 phải đóng cửa dù khi đó không gian này nổi lên là một hiện tượng văn hóa sáng tạo của giới trẻ Hà Nội, khiến mọi người không thể không suy ngẫm về những hạn chế tổ hợp này mắc phải. Lý do tưởng chừng đơn giản vì liên quan đến tính pháp lý của khu đất mà những người sáng lập nên không gian này chưa xem xét một cách kỹ lưỡng khi xây dựng. Nhưng đó cũng là một trong những hạn chế mà rất nhiều không gian sáng tạo sau này vẫn tiếp tục vấp phải.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh là một trong những người sáng lập ra tổ hợp Zon 9, sau này tiếp tục thiết kế tổ hợp Hanoi Creative City chia sẻ: Địa điểm xây dựng không gian sáng tạo là vấn đề quan trọng mà các chủ đầu tư cần xem xét thấu đáo. Bởi ngay chính Hanoi Creative City ban đầu là một tổ hợp đa dạng các lĩnh vực hoạt động, nhưng sau đó mới bộc lộ xung đột với cư dân chung cư bên cạnh về không gian chung, tiếng ồn và nhiều vấn đề khác. Điều này cũng từng xảy ra với tổ hợp 60s Thổ Quan, Heritage Space, Úi Chà Chà… do vướng mắc về mặt bằng buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc liên tục phải di chuyển địa điểm.
Tuy là địa phương có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước song cũng phải thừa nhận rằng, hầu hết các không gian sáng tạo đều hoạt động tự do, dưới dạng nhóm dự án, nhóm cộng đồng..., một số ít đăng ký với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, kinh doanh cá thể. Vì vậy, các không gian sáng tạo tại Hà Nội thường có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguồn thu chủ yếu của các không gian sáng tạo này đến từ các dự án xin tài trợ, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ như tư vấn chuyên môn, bán quán cà phê, cho thuê mặt bằng làm sự kiện văn hóa nghệ thuật... Bên cạnh đó, không gian sáng tạo ở Thủ đô, dù có sự đa dạng và phong phú về loại hình, phương thức hoạt động, tính cố kết mạng lưới cao, sẵn lòng hỗ trợ và kết nối, nhưng tính bền vững không cao do không có một nền tảng hỗ trợ ổn định, quy mô lớn từ thành phố, doanh nghiệp, tập đoàn.
Về cơ bản, hiện chưa có một chính sách, chương trình nào hỗ trợ, ưu đãi dành riêng cho họ như việc ưu đãi thuế kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, thuê địa điểm, nhà xưởng, ưu đãi vay vốn kinh doanh, tiếp cận với các nguồn tài trợ từ nhà nước, thành phố... Bởi vậy, các không gian sáng tạo dễ bị tổn thương khi bị tác động bởi các biến động về kinh tế - xã hội.
Chính từ lẽ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space cho biết, nhiều không gian không có nơi trưng bày, nơi biểu diễn, không có nguồn lực tiếp cận, không có chính sách và cơ chế hỗ trợ nên phải dừng hoạt động. Thực tế, Heritage Space đúng nghĩa tổ chức phi lợi nhuận nhưng tư cách pháp nhân vẫn là doanh nghiệp xã hội, vẫn phải đóng thuế bình thường. Như thế, Heritage Space cũng như các không gian sáng tạo khác sẽ bị hạn chế sự phát triển.
Động lực cho sự sáng tạo
Gần 2 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, người dân và thành phố tự hào, cộng đồng sáng tạo phấn khởi, nhưng gắn liền với đó là trách nhiệm trong hành động phát triển thành phố sáng tạo.
Thạc sĩ Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” chia sẻ, khi đã được xem là một loại cơ sở hạ tầng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cần có chủ trương thiết lập mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo Thủ đô. Mạng lưới sẽ gồm nhiều không gian, địa điểm ở nhiều cấp độ, đa dạng về chức năng, đa dạng về mô hình hoạt động, đa dạng về nguồn lực. Ông Lê Quang Bình kiến nghị thành phố Hà Nội nắm bắt cơ hội và thời cơ hiện tại, thực hiện chuyển đổi một số nhà máy cũ thành không gian sáng tạo kết hợp không gian công cộng.
Còn Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, nếu Hà Nội xây dựng được trung tâm sáng tạo có quy mô lớn mà anh gọi đó là cái “tổ”, tất yếu sẽ tạo sức hút, tạo nguồn thu lớn và có thể phát triển cả một vùng, tạo hệ sinh thái trực tiếp về sáng tạo, nghệ thuật, đời sống văn hóa, chất lượng sống và GRDP cho thành phố. Vì vậy, thành phố cần nhanh chóng tạo ra các trung tâm như vậy để tạo điều kiện cho cộng đồng sáng tạo vào hoạt động, từng bước thúc đẩy cho cả nền kinh tế sáng tạo phát triển. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cũng cho rằng, thành phố cũng cần xây dựng đời sống văn hóa sáng tạo, công dân văn hóa sáng tạo, xây dựng cộng đồng sáng tạo để thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo.
Cộng đồng sáng tạo cũng mong muốn Hà Nội hỗ trợ nguồn lực, kênh pháp lý, quỹ dành cho sáng tạo. Hơn nữa, thành phố cũng cần thiết cho đăng ký lại hình thức tổ chức phi lợi nhuận để cho những nhóm, tổ chức chuyên sáng tạo cộng đồng có cơ hội hoạt động tốt, thay vì yêu cầu đăng ký theo mô hình doanh nghiệp.
Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm quy mô lớn với sự tham vấn của các nhà quản lý, chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng sáng tạo để tìm giải pháp phát triển một cách tối ưu nhất. Đó là, tọa đàm "Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”; hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội”; chuỗi tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển các thành phố sáng tạo... Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức mang ý nghĩa sáng tạo.
Cuối năm 2020, thành phố đã phát động cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội nhằm khơi gợi các ý tưởng mới lạ, độc đáo trong việc thiết kế và khai thác các không gian của thành phố để trở thành không gian sáng tạo. Cuộc thi cũng từng bước hiện thực hóa các không gian và cộng đồng sáng tạo, hướng tới thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Đề án và Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, thành phố nhấn mạnh, sự hình thành các không gian sáng tạo là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh thành phố sáng tạo - mục tiêu mà thành phố Hà Nội vươn tới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, bởi thành phố luôn quan tâm phát triển văn hoá và luôn quan tâm tới việc khai thác, phát huy những giá trị truyền thống. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự canh tranh rất lớn giữa các quốc gia thì sự sáng tạo là yếu tố quyết định trong mối cạnh tranh đó. Lĩnh vực thiết kế sáng tạo là nội dung quan trọng, nó chi phối, tác động đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa. Nếu tập trung vào đó, sẽ vừa phát huy lại vừa khai thác được truyền thống mà đồng thời lại tận dụng và tiếp cận được vấn đề của thế giới. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu ngay các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các không gian sáng tạo.
Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các cam kết khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu hướng tới trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế. Các không gian sáng tạo sẽ có cơ hội phát triển trong bối cảnh thành phố có những chuyển đổi về hướng tiếp cận và chính sách thúc đẩy sự phát triển của một thành phố sáng tạo. Khi đó, bản sắc mới của Hà Nội không những thêm phần phong phú mà văn hóa sáng tạo, kinh tế sáng tạo sẽ góp phần phát triển Thủ đô bền vững hơn.