Trong Chiến lược Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu doanh thu đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Công nghiệp văn hóa được xác định là một kênh quan trọng trong chuỗi chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm.
Mô hình thành công từ thế giới
Công nghiệp văn hóa đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, đóng góp to lớn vào kinh tế khi xuất khẩu sang các quốc gia khác, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước rất hiệu quả.
Theo nghiên cứu và phân tích của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, ở châu Á, Hàn Quốc đã rất thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, làn sóng Hallyu - hiện tượng văn hóa đại chúng đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia.
Nói đến Hallyu đặc biệt phải kể đến BTS - nhóm nhạc nam gồm 7 thành viên đã liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế. Thành lập vào năm 2013, nhóm nhạc này đã nhanh chóng nổi tiếng, đưa hình ảnh và văn hóa Hàn Quốc ra khắp thế giới; ước tính mang về hơn 3,6 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm. Ngoài doanh thu về âm nhạc, nhóm nhạc này còn thu hút số lượng lớn khách du lịch tới Hàn Quốc. Các thành viên BTS còn được mệnh danh là "Đại sứ du lịch danh dự" của Seoul thông qua sáng kiến "Live Seoul like i do"…
Điện ảnh cũng được coi là một kênh quan trọng gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Hàn Quốc; khẳng định quan điểm đưa việc bảo vệ văn hóa quốc gia lên hàng đầu; không chỉ với văn hóa nghệ thuật mà còn phát triển cả văn hóa truyền thống. Qua đó, người dân thế giới, nhất là giới trẻ đều biết đến Kimchi (dưa muối truyền thống), Hanbok (trang phục truyền thống), Samulnori (nhạc cụ truyền thống), Pansori (hát truyền thống) của người Hàn Quốc bên cạnh những bộ phim bom tấn hay các nhóm nhạc thần tượng đình đám.
Với người Nhật Bản, họ đã sớm định hướng phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên văn hóa. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Theo thống kê, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công toàn quốc. Trong đó, ngành truyện tranh Nhật Bản (gọi là manga), từ năm 2002 - 2017, đã tăng trưởng 100% lên mức tổng giá trị 19 tỷ USD/năm. Trong năm 2020, ngành công nghiệp manga phát triển mạnh mẽ; bất chấp các vấn đề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, manga vẫn bán rất chạy trên khắp thế giới.
Ở châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 3% GDP (theo giá thị trường khoảng 500 tỷ Euro) và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người. Riêng nước Anh, xuất khẩu dịch vụ bởi các ngành công nghiệp sáng tạo chiếm hơn 10% tổng số kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Ở Hong Kong (Trung Quốc), 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo…Hiện nay, 11 ngành đã được coi là thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm: Quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Đây được coi là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và lớn nhất trên thế giới...
Ngành công nghiệp làm phim được nhiều nước quan tâm phát triển bằng cách sản xuất hàng nghìn bộ phim mỗi năm và thu về hàng tỷ USD doanh thu. Trong đó, Hoa Kỳ có ngành công nghiệp điện ảnh đã hơn 120 năm tuổi, lớn nhất, lâu đời nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Năm 2017, ngành công nghiệp điện ảnh ở Hoa Kỳ tạo ra khoảng 10,24 tỷ USD, trong số này, Hollywood chiếm 10 tỷ USD...
Nhìn về Việt Nam
Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nếu như trước 2016, công nghiệp văn hóa còn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, đến năm 2018, ngành được nhiều người biết đến nhất là truyền hình - phát thanh và điện ảnh (85%). Tiếp đến là quảng cáo; kiến trúc; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thủ công mỹ nghệ; xuất bản; thiết kế; thời trang. Với những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa với tiến trình các ngành công nghiệp văn hóa để tái cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội hập quốc tế về Việt Nam.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019. Điều này cho thấy công nghiệp văn hóa nước ta đang dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Đối với ngành điện ảnh, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2020) và 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD vào năm 2030).
Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết: Sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã mang lại một diện mạo nhiều thay đổi cho điện ảnh Việt. Phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh. Số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014 - 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36 - 40 phim/năm.
Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"; "Kong: Đảo đầu lâu - Kong: Skull Island"...Trong 5 năm trở lại đây, bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh như: “Bố già”, “Hai Phượng”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”, “Em chưa 18”, “Gái già lắm chiêu”, “Lật mặt 48h”...
Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2018, doanh thu ngành này đạt hơn 104 tỷ đồng (doanh thu bán vé) với 2.118 buổi biểu diễn; gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 42,6 tỷ đồng.
Ngành quảng cáo ở nước ta, đến nay không chỉ có độc tôn quảng cáo trên truyền hình mà đã có sự phát triển vượt bậc của quảng cáo trực tuyến. Theo Báo cáo VietNam Digital Marketing Trends, ước tính, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng kép hằng năm (CARG) là 21,5%. Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, tốc độ tăng trưởng có chững lại, nhưng tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến vẫn đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 đạt 955,7 triệu USD…
Cần tăng sức thu hút cho “hàng nội”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng các cộng sự, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhưng thực tế chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên phong phú của đất nước. Ở một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm, tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút thị trường văn hóa trong và ngoài nước vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Việt Nam có gần 100 triệu người - thị trường tiềm năng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Có thể thấy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa nên chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị “xâm lấn” bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Mặt khác, việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với cảm nhận của người nước ngoài.
Điện ảnh – một lĩnh vực được cho là nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta cũng còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – một người gắn bó lâu năm với điện ảnh đã thẳng thắn nêu rõ: Nhà nước vẫn chưa coi điện ảnh là một “sức mạnh mềm” để xây dựng bước phát triển, tập trung đầu tư toàn diện và liên tục về các mặt, hiện tại vẫn là đầu tư nhỏ giọt, năm có năm không...
Hoạt động sản xuất và phát hành phim tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới. Trong khi đó, công nghệ điện ảnh trên thế giới không ngừng phát triển mạnh mẽ càng khiến Việt Nam khó khăn hơn trong việc tiếp cận các thị trường điện ảnh quốc tế. Sự chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có vốn đầu tư nước ngoài tạo nên rào cản, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Hợp tác đầu tư quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị và thế mạnh nội sinh. Kinh phí dành cho việc quảng bá phim Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, chưa được coi trọng và thiếu tính chuyên nghiệp…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh: Văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người.
Theo đó, một giải pháp quan trọng là tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, thành nguồn lực, động lực để phát triển. đòi hỏi cần phải có sự thay đổi cả về tư duy và hành động. Nhà nước nên lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa; ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Các địa phương phải quyết liệt hơn nữa để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các lợi thế của mỗi nơi...
Rõ ràng là phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả vẫn đang thách thức lớn đòi hỏi tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế…
Bài cuối: Ẩm thực giúp định vị hình ảnh du lịch Việt Nam