Bộ phim “Wild Tales” được đề cử giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều khi quyết định trình chiếu tại các rạp ngay một ngày sau thảm họa máy bay của hãng hàng không Đức Germanwings đâm vào sườn dãy núi Alps (Pháp) hôm 24/3.
Bộ phim sẽ không có gì đáng lên án nếu như trong kịch bản không có tình tiết kẻ giết người tự nhốt mình trong buồng lái và điều khiển cả chiếc máy bay đâm thẳng xuống mặt đất cùng tất cả hành khách. Chi tiết đó hoàn toàn trùng khớp với thực tế là chính cơ phó người Đức Andreas Lubitz do gặp bất ổn về tâm lý đã quyết định tự sát ngay trên chuyến bay 4U 9525 định mệnh, khiến 149 người trên máy bay không một ai sống sót.
Hình ảnh tiểu bang California (Mỹ) bị nhấn chìm trong biển nước vì trận động đất kinh hoàng trong phim “Khe nứt San Andreas”. |
Dù tình tiết đó chỉ là một phần nhỏ trong 6 câu chuyện riêng biệt nhưng bộ phim đã khiến dư luận phẫn nộ khi ra rạp vào thời điểm nhạy cảm. Nhiều người xem đã lo lắng liệu có mối liên hệ giữa nội dung bộ phim và tay cơ phó Lubitz hay không. Thậm chí có người còn cho rằng Lubitz trong lúc quẫn trí đã học theo tình tiết trong phim, dẫn đến làm chuyện dại dột, hại chết nhiều người.
Đây không phải là lần đầu tiên kịch bản phim trùng khớp với sự kiện thảm họa diễn ra đúng thời điểm ra mắt. Trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richer ngày 25/4 làm hơn 8.800 người thiệt mạng ở Nepal đã khiến bộ phim bom tấn “Khe nứt San Adreas” phải hoãn lại lịch ra mắt gần 1 tháng. Với nội dung xoay quanh vụ động đất lịch sử tàn phá toàn bộ tiểu bang California (Mỹ), người đại diện bộ phim bày tỏ lo lắng “việc ra mắt bộ phim có lẽ không phù hợp trong thời điểm đau thương này vì ảnh hưởng tiêu cực từ trận động đất Nepal”.
Tuy nhiên, với những tác phẩm như “Khe nứt Andreas” hay “Wild Tales”, chỉ với một chút thay đổi nhỏ, bộ phim vẫn tiếp tục được tới tay khán giả. Song có nhiều bộ phim chỉ vì nỗi mất mát quá lớn cùng sức ép dư luận mà không bao giờ được phép xuất hiện trên kệ băng đĩa. Năm 1993, bộ phim kinh dị “The Good Son” (lược dịch “Đứa con hiếu thảo”) được diễn viễn nhí tài năng Macaulay Culkin thủ vai chính buộc phải xếp kín trong kho phim khi kịch bản bị cho là có quá nhiều tình tiết trùng khớp với vụ án giết cậu bé James Bulger gây rúng động nước Anh vào cùng thời điểm. Culkin đóng vai một tên sát nhân 13 tuổi - giết người do bị ám ảnh khi xem những đoạn băng bạo lực - gần giống với chân dung hai tên hung thủ trẻ sát hại bé James, 3 tuổi.
Lo sợ khán giả quay lưng nếu như phim có chi tiết giống với thảm họa thực tế, nhiều nhà làm phim Hollywood sẵn sàng cắt bỏ những cảnh quay đắt giá để phim được ra mắt. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, hình ảnh tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sập trong phim “Người Nhện” và phim “Zoolander and Serendipity” hoàn toàn biến mất. Bộ phim hài của nam diễn viên võ thuật gạo cội Jackie Chan cũng buộc phải hủy do phim nói về một nhân viên vệ sinh tại tòa nhà tiếp tay cho bọn khủng bố.
Tuy nhiên, không phải phim nào trùng với thảm họa thực tế cũng nhận được sự chỉ trích giống “Wild Tales”. Trong khi có một vài tác phẩm thất bại là do khán giả tẩy chay vì cho rằng các nhà sản xuất dựa trên nỗi đau của nhân loại mà kiếm lợi nhuận, thì có khá nhiều bộ phim được công chúng đón nhận. Điển hình là loạt phim điện ảnh Người Nhện sau đó đã rất thành công, hay như “Khe nứt Andreas” - với chiến lược thông minh lùi lại lịch chiếu 1 tháng - đã vượt quá sự mong đợi của hãng phim Warner Bros, thắng lớn nơi phòng vé trong tuần đầu công chiếu khi thu về 53,2 triệu USD.
TỐP 5 PHIM TRÙNG KHỚP THẢM HỌA THỰC TẾ 1. “Khe nứt San Andreas” nói về trận động đất tàn phá toàn bộ bang California, đã phải lùi ngày khởi chiếu khi dự kiến ban đầu ra mắt ngay sau khi thảm họa động đất Nepal. 2. Bộ phim “Thế giới bên kia” năm 2011 xoay quanh thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương bị cấm chiếu tại các rạp ở Nhật Bản, vài ngày sau một trận sóng thần lớn ập xuống đất nước mặt trời mọc. 3. “Người Nhện” (2002) là bộ phim bị thiệt hại nặng nề nhất trong số 45 bộ phim bị ảnh hưởng do vụ tấn công tòa tháp đôi hôm 11/9. 4. Bộ phim hài “Bác sĩ Strangelove” (1963) cũng không thể vượt qua khâu kiểm duyệt khi trong kịch bản có câu “Tổng thống của chúng ta sẽ bị tiêu diệt ngay trong thời kì đỉnh cao” cùng lúc vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ở Dallas xảy ra. 5. “Đứa trẻ mất tích” (2007) của đạo diễn-diễn viên Ben Affleck kể về vụ mất tích bé gái 4 tuổi sống ở Boston cũng chạm nỗi đau của khán giả khi ra mắt chỉ mấy ngày sau khi cô bé người Anh Madeleine McCann biến mất tại Bồ Đào Nha. |