Được kiến tạo và hình thành cách đây trên 500 triệu năm, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là một kiệt tác của tạo hóa, một minh chứng lịch sử quan trọng trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất. Nơi đây hiện nay là địa bàn cư trú của 17 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, là nơi có nền văn hóa đặc sắc và phong phú.
Trải qua thăng trầm, những biến cố của lịch sử và sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) cơ bản vẫn giữ được bản sắc riêng, với nhiều nét văn hóa đặc trưng và độc đáo. Lối sống chân tình mộc mạc, các quan niệm ứng xử xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, tri thức dân gian đều thể hiện sự phong phú trong văn hóa tinh thần các dân tộc. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội múa khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao và đặc biệt là Lễ hội Chợ tình Khâu Vai...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919 tại xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Chợ được họp duy nhất một lần trong năm vào ngày 27/3 âm lịch. Đây là phiên chợ truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và đã trở thành huyền thoại đối với du khách trong nước và quốc tế. Giá trị lớn nhất của “Chợ tình Khâu Vai” là tính nhân văn sâu sắc.
Đây là phiên chợ ca ngợi tình yêu đôi lứa trong sáng, thủy chung có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Chợ không nhằm mục đích mua bán, mà là nơi hội tụ của các chàng trai, cô gái đi tìm bạn tình, của những đôi lứa yêu nhau mà không lấy được nhau. Họ đến chợ mong gặp lại người tình xưa trước đây đã trao thương gửi nhớ để tâm sự, sẻ chia... và được sự đồng ý, tôn trọng của vợ (chồng) mình. Có thể thấy, đây là một nét văn hóa đặc sắc hiếm có ở Việt Nam và trên thế giới.
Đặc biệt, Chợ tình Khâu Vai còn có giá trị về cảnh quan danh thắng với vẻ đẹp tuyệt vời từ sự kiến tạo của thiên nhiên, nằm trong khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, sau 8 năm được gia nhập mạng lưới của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Công viên Địa chất gắn với phát triển du lịch, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Tháng 9/2018, tại Italya, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được xướng tên là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là niềm vinh dự tự hào và cũng là trách nhiệm mà các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân các dân tộc Hà Giang nói chung và các huyện vùng Công viên địa chất có được.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong những năm tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần kiến tạo một Hà Giang phát triển.
Tại buổi lễ, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao Bằng tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cho đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang và 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nhiệm kỳ 2018 - 2022.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là một không gian địa lý rộng lớn, lưu giữ nhiều di sản địa chất quan trọng đối với thế giới. Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu của Việt Nam được UNESCO công nhận đầu tiên vào năm 2010. Danh hiệu này đã đem lại nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang. Thành công của Hà Giang cũng là mô hình tham khảo đối với nhiều địa phương trong cả nước như Cao Bằng, Đắk Nông, Quảng Ngãi.
Trong khuôn khổ Lễ hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai - 2019, du khách sẽ được thưởng thức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Miền đá hát” tái hiện truyền thuyết “Chuyện tình Khâu Vai”; hòa mình cùng với bà con các dân tộc thiểu số dâng hương tại “Miếu Ông”, “Miếu Bà”. Du khách cũng được thưởng thức những câu hát đối giao duyên, điệu múa đặc sắc, nghe tiếng khèn Mông gọi bạn và tham gia các trò chơi dân gian như: Hội thi chim họa mi, đu quay, đánh sảng, bập bênh.
Đặc biệt, đến với Lễ hội, du khách còn được tham gia, được tận mắt chứng kiến màn trình diễn thi đấu xe địa hình của các vận động viên tại rừng thông Yên Minh (huyện Yên Minh); được tham gia chèo thuyền trên dòng sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc); tham gia Giải chạy Marathon Quốc tế trên cung đường Hạnh Phúc. Du khách còn được trải nghiệm hóa thân thành đồng bào các dân tộc thiểu số như cưỡi ngựa trên “Cung đường tình yêu”; trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt như thêu, dệt của dân tộc Nùng, đan lá nóng truyền thống của dân tộc Giáy, đan quẩy tấu của đồng bào dân tộc Mông và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn.