Ngôi nhà Lang duy nhất của cộng đồng dân tộc Mường (Hòa Bình), trong khuôn viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường bị thiêu rụi năm 2013, đã để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng. Với mong muốn gìn giữ những di sản của dân tộc, để câu chuyện nhà Lang tiếp tục được kể, Bảo tàng không gian văn hóa Mường cùng với các nghệ sỹ và những người yêu văn hóa Mường đang tiến hành chiến dịch gây quỹ cộng đồng ủng hộ phục dựng lại nhà Lang.
Nhà Lang Mường bị thiêu rụi chỉ còn trơ lại bộ khung. Ảnh: Bảo tàng không gian văn hóa Mường cung cấp |
Từ ngày 9 - 30/5, tại Module7 (83 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) diễn ra triển lãm sắp đặt không gian và trình diễn thời trang mang tên “Giai điệu núi đồi”. Triển lãm do 2 nghệ sỹ Phạm Kiều Phúc và Trần Thị Thu phối hợp thực hiện. Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi sự kiện văn hóa, trình diễn, triển lãm nghệ thuật của cộng đồng nghệ sỹ nhằm gây quỹ xây dựng lại nhà Lang của Bảo tàng văn hóa Mường. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán vé vào cửa và 10% giá trị các sản phẩm nghệ thuật được bán trong triển lãm này sẽ được dành để ủng hộ Bảo tàng không gian văn hóa Mường phục dựng lại nhà Lang. Sau triển lãm này, một loạt các hoạt động như triển lãm ảnh nghệ thuật vào cuối tháng 5/2015; triển lãm nghệ thuật của cộng đồng nghệ sỹ Thị giác vào cuối tháng 6/2015… cùng với chuỗi hoạt động bán vé, bán đấu giá gây quỹ, tọa đàm, kêu gọi cộng đồng các mạng xã hội… sẽ liên tiếp diễn ra.
Cách đây hơn 1 năm (ngày 24/10/2013), nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là những người yêu văn hóa Mường đều ngỡ ngàng, xót xa khi nghe tin ngôi nhà Lang cuối cùng của cộng đồng dân tộc Mường, nằm trong khuôn viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) bị thiêu rụi, chỉ vì sự bất cẩn, thiếu ý thức của một nhóm du khách đến tham quan. Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường, ngôi nhà Lang bị cháy có tuổi thọ trên 100 năm. Chủ ngôi nhà này là mế Hà Thị Lợi, con một quan Lang ở địa phận Mường Chậm (nay là xóm Chiến, xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Ngôi nhà là một công trình kiến trúc nguyên bản của nhà Lang, được làm bằng những loại gỗ đặc biệt quý hiếm.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ngôi nhà Lang trong không gian văn hóa Mường là một hiện vật độc đáo, gần như là độc nhất, vô nhị ở nước ta. Không gian nhà Lang cũng như những hiện vật trong đó có giá trị rất lớn, kể cả về vật chất và cả những giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với nhà Lang. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, trong tổ chức xã hội của đồng bào dân tộc Mường, vai trò của các nhà Lang có tính chất dẫn đạo cuộc sống của cư dân Mường ở tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tâm linh… Chế độ nhà Lang góp phần tạo ra góc nhìn của văn hóa Mường, ở đó cuộc sống của các ông Lang thuộc giai tầng xã hội cao nhất của người Mường, nên ngôi nhà của ông Lang mang tính điển hình cho những ngôi nhà của người Mường ở tầng lớp cao. Việc ngôi nhà bị cháy là điều rất đáng tiếc và là tổn thất không thể bù đắp được đối với cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và với di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Gần 2 năm qua, họa sỹ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường luôn mơ ước có thể phục dựng lại ngôi nhà Lang. Anh tin tưởng, với những số liệu, bản vẽ kỹ thuật về nhà Lang mà bảo tàng vẫn lưu giữ, cùng với kinh nghiệm và tâm huyết của chính những người thợ là đồng bào dân tộc Mường, từng vận chuyển và lắp đặt nhà Lang tại bảo tàng từ năm 2007, và cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của các nhà dân tộc học, khả năng phục dựng chính xác ngôi nhà từ phần chân cột và sàn gỗ còn lại là hoàn toàn khả thi.
Họa sỹ Vũ Đức Hiếu cho biết, dự kiến kinh phí để phục dựng nhà Lang khoảng 600 triệu đồng, và anh hy vọng cộng đồng sẽ cùng chung tay để phục dựng lại không gian văn hóa ý nghĩa này.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học cũng như đồng bào dân tộc Mường đều cho rằng, việc phục hồi nhà Lang là một việc làm cần thiết và vô cùng giá trị, để du khách và cộng đồng dân tộc Mường hiểu thêm về văn hóa Mường, hiểu thêm về chế độ nhà Lang cũng như sinh hoạt của các ông Lang trong ngôi nhà.
Phương Hà