“Ì xèo” danh hiệu nghệ sĩ

Trong danh sách đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu lần thứ 8 năm 2015 (dự kiến trao vào tháng 9/2015), người ta thấy có tên 3 Nghệ sĩ nhân dân (NSND) còn khá trẻ, đó là Vũ Tự Long (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội), Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Trung Hiếu (Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội). Kết quả xét tặng được đăng tải trên website: bovhttdl.org.vn từ 10/7 để lấy ý kiến dư luận trong 15 ngày, trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước phê duyệt.

Sẽ thiệt thòi cho các nghệ sĩ nhạc giao hưởng khi đặt nặng tiêu chí huy chương để phong danh hiệu. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Danh hiệu NSND, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là phần thưởng cao quý mà Nhà nước dành tặng cho người nghệ sĩ để ghi nhận công lao đóng góp của họ đối với nghệ thuật nước nhà. Cứ hai năm một lần, việc phong tặng danh hiệu lại được tiến hành, song lần nào cũng gây nhiều tranh cãi từ chính những người trong cuộc. Lần này, thông tin các NSƯT: Út Bạch Lan, Chí Trung, Minh Hằng, bị trượt danh hiệu NSND với lý do: thiếu huy chương, khiến dư luận “ì xèo”.

Rất nhiều ý kiến trong giới cho rằng, danh hiệu đối với người nghệ sĩ vô cùng quan trọng bởi đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật. Ở một chừng mực nào đó việc phong tặng danh hiệu đúng lúc còn giúp nghệ sĩ có thêm động lực để làm nghề. Nếu nhìn vào danh sách các nghệ sĩ được đề nghị xét phong tặng NSND năm nay, có thể thấy việc “trẻ hóa” là một tín hiệu đáng mừng. 

Tuy nhiên, vẫn có chút băn khoăn, với rất nhiều nghệ sĩ cả một đời cống hiến và gắn bó với bộ môn nghệ thuật mà họ theo đuổi, được khán giả ghi nhận, nhưng lại không lọt vào danh sách đề nghị xét tặng NSND, bởi họ không đủ số huy chương vàng, huy chương bạc theo quy định. Cụ thể, ngoài quy định phải có 20 năm hoạt động chuyên nghiệp trở lên (đối với các loại hình múa, xiếc là 15 năm trở lên), thì phải có ít nhất 2 Huy chương Vàng sau khi có danh hiệu NSƯT (với nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND). Đối với NSƯT, thời gian hoạt động nghệ thuật là 15 năm trở lên (với xiếc, múa là 10 năm trở lên) và phải có ít nhất 2 Huy chương Vàng quốc gia, hoặc 1 Huy chương Vàng cùng 2 Huy chương Bạc. Nói tóm lại, là phải có huy chương.

Chưa hết, tiêu chí "phải có một giải thưởng liền kề với năm được xét tặng" cũng không khả thi. Thường 5 năm mới có một hội diễn ca múa nhạc cấp quốc gia được tổ chức. Với các nghệ sĩ lớn tuổi, tiêu chí này càng ngặt nghèo. Diễn viên lớn tuổi nếu có ra sân khấu cũng chỉ được nhận vai phụ, rất hiếm vở diễn có "đất" để họ được tỏa sáng. Chưa kể, với các nghệ sĩ làm nhiệm vụ đào tạo hầu hết đã lùi về hậu trường để nhường cơ hội cho lứa đàn em và học trò của mình, nên khó có thể kiếm thêm huy chương để có thêm tiêu chuẩn để xét phong tặng, dù những cống hiến của họ là hoàn toàn xứng đáng...

Thực tế cho thấy, nếu lấy tiêu chuẩn về huy chương làm điều kiện bắt buộc trong xét tặng danh hiệu, thì rất nhiều nghệ sĩ sẽ bị thiệt thòi vì không đủ số huy chương, giải thưởng mặc dù họ có nhiều năm cống hiến, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Sẽ là không công bằng khi đưa tiêu chuẩn huy chương “lên bàn cân”. Bởi có không ít nghệ sĩ tài năng đang hoạt động tự do, không thuộc các đoàn công lập. Các đoàn công lập do được nhà nước bao cấp nên họ sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng (thậm chí cả tỷ đồng) để dựng vở tham gia hội diễn, liên hoan. Trong khi đó, những nghệ sĩ hoạt động ở các đoàn nghệ thuật tư nhân khó có điều kiện để tham dự, nên cơ hội giành huy chương là không thể. Chưa hết, với những môn nghệ thuật có đặc thù riêng như nhạc giao hưởng, mỗi năm dàn nhạc chỉ có vài buổi diễn, rồi nhiều năm (thậm chí cả chục năm) không có liên hoan dành cho nhạc giao hưởng, nên đòi hỏi về huy chương thì chẳng khác gì đánh đố các nghệ sĩ.

Thế nên, rất nhiều ý kiến cho rằng, những nghệ sĩ xứng đáng đạt được danh hiệu thì đừng câu nệ, nên đặc cách và tôn vinh họ. Đánh giá tài năng cũng như cống hiến của nghệ sĩ là cả một quá trình dài, một vài tấm huy chương không đủ nói lên tầm vóc người nghệ sĩ. Với những người tâm huyết với nghề, với họ danh hiệu cao quý nhất chính là chỗ đứng bền lâu trong trái tim người hâm mộ. 

Yến Nhi
4 tiêu chuẩn xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú
4 tiêu chuẩn xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN