Hương nếp rồng - tuyển tập thơ đáng giá

Sinh thời, nhà thơ Lê Thái Sơn khi đọc xong tuyển tập “Hương nếp rồng” (NXB Văn học 2013) đã xúc động nói với một nhà báo ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng: Lâu nay tuyển thơ tỉnh, thơ huyện khá nhiều, nhưng thơ tuyển của một xã mà làm được như “Hương nếp rồng” thì theo ông đã chiếm được “Bảng vàng” trong thiên hạ …

Như chúng ta đã biết, xã Vĩnh Thành - Yên Thành - Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngày 10/12/1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bà con xã nhà. Từ đó đến nay qua bao biến cải tang điều, dẫu có khi thăng trầm, nhưng lòng tự hào về mảnh đất này vẫn cháy bỏng trong lòng con em đất Vĩnh:

“Xã Vĩnh Thành được đón Bác về thăm/Lời Bác dặn dư âm còn vọng mãi/Như hoa trái ngọt ngào đêm xóm trại/Mỗi độ đông về hoa lại lừng hương”.



Niềm tin ấy đi theo người lính vào cả nơi trận mạc: “Anh em tôi sau dịp ấy lên đường/Mải miết hành quân vào chiến trường đánh giặc/Mắc võng giữa đại ngàn vẫn mơ về Rú Tháp/Đồi thông xưa nay chắc đã thành rừng”, “Rú Tháp” trong bài chính là nơi Bác đứng nói chuyện với bà con. Và người viết những câu lay động này là Ngô Minh Hớn.

Gần 100 tác giả hội tụ trong dàn đại hợp xướng này. Có đủ sĩ, nông, công, thương… từ nông dân cầm bút, đến chiến sĩ cách mạng. Từ nhà nho yêu nước đến thợ mộc yêu thơ. Nghĩa là có tác phẩm đúng tiêu chuẩn thì mời vào văn đàn. Mở trang sách ra gặp ngay hình ảnh cụ Đồ Mỹ, tức Nguyễn Thế Mỹ (1878 - 1941) nhà nho, chiến sĩ yêu nước, văn nhân thời loạn, bậc tráng chí sơn hà, người từng bị thực dân pháp cắt gót chân, đày qua nhiều nhà lao. Cùng với cụ là cử nhân Trần Cần (1886 - 1946) danh nhân văn hóa tổng quan trung, một tư tưởng vượt thời đại và nhà nho Trần Thể (1904 - 1956)… Cả ba con người này có những đóng góp to lớn về tư tưởng và cuộc đời, nhưng chính họ, cả sau khi mất vẫn bị hàm oan nhiều năm rồi mới được “chiêu tuyết”. Cho nên đưa các cụ lên trên đầu tuyển tập là sự ghi nhận đúng công lao của họ.

Trong tập thơ, có những câu Đường thi của nhà giáo Trần Như Đán:“Xuân sớm hành hương hướng cội nguồn/Quan hài muôn dặm mãi tơ vương/“Văn phong” hùng vĩ hờn giông tố/Miếu mạo uy nghi hận chiến trường/Tiếng cửu canh khuya tàn hạ nguyệt/Giọng chuông chùa vãn bóng thu sương/Thân bằng cố hữu ai còn mất/Trống vắng lòng ta trải dặm trường.
Trong tuyển tập cũng xuất hiện những hội viên hội nhà văn Việt Nam, hội nhà báo Việt Nam hay hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh, các tiến sĩ, các nhà giáo lão thành: Trần Triệu, Nguyễn Đăng An, Trần Long, Đào Lương Thiện, Trần Tất Căng, Nguyễn Như Du, Trần Như Đán, Hồ Sĩ Hoàn, Nguyễn Thanh Huân, Trần Kình, Ngô Minh Hớn, Nguyễn Văn Khương, Phạm Hồng Sâm, Nguyễn Thị Minh Thoàn, Ngô Đức Tiến, Bùi Đức Tú, Bùi Đức Tuấn, Trần Ngọc Khánh, Trần Hải…

Trong tập thơ có những đoạn thơ, câu thơ hay lưu mãi trong lòng người đọc:

“Chuyện đời đã mấy nghìn năm/Còn vang trong khói hương trầm chiều nay/Cúi đầu nhớ lông ngỗng bay/Ngẩng lên gặp ánh trăng lay cuối ngàn” (Trần Kha).“Chúng ta sống gót chân trần bám đất/Lúc xuôi tay đất lại đón về cùng”(Bùi Đức Tuấn).“Nồi đất thì tròn/Mà vòng ngực em bên đầy bên lép/Bên đầy cho con, bên lép cho chồng/Ai chưa chồng để thiên hạ nhìn nghiêng”(Ngô Đức Tiến).“Buông màn nhưng dịu đêm/Thổi hồn ngực phập phồng nốt nhạc/Thanh thiết vầng trăng/Ảo huyền đầy đặn/Câu thơ mướt mát làn da” (Bùi Đức Tú).

“Mùa thu đa mang sắc màu/Nên lá vàng thừa thãi/Anh đa mang tình ái/Trụi trần tay trắng giữa vàng rơi” (Trần Thanh Hải).“Người dang rộng vòng tay tha thiết khát thèm/Người đang đợi tháp Pi Sa ngã xuống/Nhưng người ơi tháp Pi Sa thẳng, còn người nghiêng” (Nguyễn Đăng An).

Một điều đáng nói trong tuyển tập này là công lao của ba người: Phan Huy Huyền, Nguyễn Đăng Chế và Đào Công Chính. Phan Huy Huyền là nhà giáo nổi tiếng, học trò của ông có người đã là giáo sư, tiến sĩ… Ông là nhà thơ nổi danh những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Thơ ông đã được in trong sách giáo khoa cho học trò học. Còn Nguyễn Đăng Chế cũng là người nổi tiếng, ông suýt được phong anh hùng trong giai đoạn: “Bến Thủy một thời máu nhớ bàn chân”.

Ở trong tuyển thơ này, còn có công một thi nhân chân đất: Đào Công Chính, tuổi Nhâm Thìn (1952) sinh quán Làng Phì Cam. Hội viên hội thơ đường luật Việt Nam, từng là lính lái xe trong bom đạn. Cuộc đời có đủ bề dày về sự bất hạnh, để thông cảm cho hết nỗi khổ của người đời. Thơ đã khiến cho Đào lên bờ xuống ruộng, chịu khổ, chịu nhục, chịu tai tiếng, nhưng nếu không có nó Đào Công Chính sẽ chết như ai đó vì trăng trên sông mà đành chìm dưới nước… Một sự say mê đến kỳ lạ, có lúc nhớ đến thân phận nửa mùa của mình ông cay đắng:“Có kẻ buồn thân nhìn xuống đất/Có người tủi phận ngó lên trời”. Có lúc ông chì chiết, dậm chân xỉ vả mình: “Đừng trách chi đời tự trách tôi/Bao đêm đèn sách lỡ làng trôi/Tài không gặp vận tài vô dụng/Dốt được gặp thời dốt thoán ngôi”.

Đào Công Chính xé ruột vì nhớ mẹ. “Ngắn dài bước thẳng bước xiêu/Áo tơi nón lá che nghiêng nửa mình”. Ông ân hận: “Áo nâu bạc phếch màu trời/Nắng mưa sương gió nói lời mong manh”. Và cái đói tiền kiếp năm nào hiện lên nguyên vẹn: “Chắt chiu khi lúa còn xanh/ Dắt liềm trèo hái… mùa thành giấc mơ”.

Trong thi ca vốn lắm chuyện lạ… và chuyện lạ là lần đầu tiên ở mảnh đất Vĩnh Thành này Đào Công Chính, Nguyễn Đăng Chế, Phan Huy Huyền đã làm được một tuyển tập thơ đáng trân trọng.

Trần Ngọc Khánh

Trở lại tuổi thơ với “Thời thơ ấu”
Trở lại tuổi thơ với “Thời thơ ấu”

Boyhood (Tựa Việt: Thời thơ ấu) là tác phẩm điện ảnh nổi bật của năm 2014 khi nhận được đến 9 đề cử Oscar.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN