Hương lúa mới ở Chiềng Khoang

Nhắc đến huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến những giai điệu tính tẩu du dương, những điệu múa nón, múa khăn duyên dáng đậm đà bản sắc dân tộc hay hòa mình vào dòng Đà Giang khám phá những trải nghiệm thú vị.

Chú thích ảnh
Người dân bản Hán A, xã Chiềng Khoang đang làm cốm. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Thế nhưng, nơi đây còn có một trải nghiệm đặc biệt mà nhiều người chưa biết đến khi tới thăm nơi này vào mùa lúa chín, đó chính là ghé thăm xã Chiềng Khoang để cảm nhận hương lúa mới và thưởng thức những hạt cốm dẻo thơm chỉ có khi thu về.

Vào tháng 10 hàng năm, khi sắc vàng của mùa thu phủ lên những bông lúa còn ngậm sữa và những thửa ruộng bậc thang bước vào mùa lúa chín, cũng là lúc người dân ở Chiềng Khoang lại nô nức chuẩn bị cho mùa cốm duy nhất trong năm. Xã Chiềng Khoang nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai khoảng gần 10km, dọc theo hướng Quốc lộ 6B. Khách qua đường có thể ghé thăm, tận mắt chứng kiến quy trình người dân làm ra những hạt cốm xanh mướt, dẻo thơm, đậm đà hương thơm của nếp tan Chiềng Khoang.

Chị Bạc Thị Hà ở bản Hán A, xã Chiềng Khoang cho biết, năm nào gia đình cũng làm cốm để bán. Vào mùa này, sáng nào chị cũng dậy sớm, ra ruộng chọn những bông thóc ngon nhất, mang về tuốt, để ráo nước rồi cho vào rang để thóc chín đều. Thóc rang xong đem rải cho đỡ nóng, sau đó chà xát để bóc tách bớt vỏ, rồi đưa vào cối giã, đến khi hạt cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi hương thơm sẽ được đem ra sàng, sẩy sạch sẽ. Trung bình một ngày, gia đình chị giã khoảng 15 - 20kg thóc. Cứ 2kg thóc sẽ được 1kg cốm, giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Nếu làm đều đặn, một vụ cốm gia đình chị lãi khoảng 20 triệu đồng.

Chị Hà cũng cho biết, cứ vào trung tuần tháng 10 trong bản hầu như hộ nào cũng làm cốm. Thời gian vụ cốm khoảng 10 - 15 ngày. Gia đình chị trồng hơn 3.000m2 lúa nếp tan địa phương. Một vụ cốm gia đình chị làm được khoảng 2 tạ cốm, giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Nếu làm đều đặn, một vụ cốm gia đình chị lãi khoảng 20 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Người dân bản Hán A, xã Chiềng Khoang, đang làm cốm. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Để chuẩn bị mùa cốm, người nông dân cấy lúa nếp từ tháng 5 âm lịch, giống lúa cấy là giống nếp tan địa phương, đến khi bông lúa vào giai đoạn đông sữa mới hái về làm cốm. Quy trình làm hạt cốm đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật, vào thời điểm hạt lúa đang căng mọng sữa hay còn gọi là nếp non mới hái, sau đó về tuốt, rửa sạch, vớt hết hạt lép ra rồi mang rang chín. Công đoạn rang quyết định thành công của hạt cốm. Khi rang để lửa vừa, đảo đều tay sao cho hạt cốm không bị khô quá. Công đoạn cuối cùng là giã cốm. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật cốm sẽ có màu vừa đẹp, hạt cốm không bị vỡ vụn, ăn có độ dẻo, ngon. Đặc biệt, người dân xã Chiềng Khoang vẫn giữ nghề làm cốm truyền thống theo phương pháp thủ công, vì thế hạt cốm luôn có độ dẻo, thơm hơn so với những nơi khác.

Hiện trên địa bàn xã Chiềng Khoang có khoảng trên 60 hộ dân làm cốm tập trung chủ yếu ở hai bản Hán A và Hán B. Cốm Chiềng Khoang ngày càng được du khách yêu thích, tìm mua, ít cũng là một cân về để làm quà cho bạn bè. Chính vì vậy, số lượng hộ làm cốm ở đây tăng lên nhiều trong những năm trở lại đây.

Ông Lò Văn Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang cho biết, nghề làm cốm ở địa phương có từ lâu đời và đến nay bà con vẫn duy trì làm nghề cốm. Đa số bà con làm cốm bằng lúa nếp tan từ thời xưa vẫn duy trì để lại. Hướng phát triển của địa phương là tiếp tục duy trì nghề làm cốm và sẽ mở rộng thêm để khách tham quan được thưởng thức món cốm của địa phương.

Với người dân xã Chiềng Khoang, cốm không chỉ là một món đặc sản mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, người dân nơi đây làm cốm với cả tấm lòng, tỉ mỉ và công phu trong từng bước, để hương cốm Chiềng Khoang lan tỏa trong lòng mỗi người dân và du khách thập phương.

Nguyễn Cường - Đình Hải (TTXVN)
Đặc sắc lễ hội giã cốm ở vùng cao Tuyên Quang
Đặc sắc lễ hội giã cốm ở vùng cao Tuyên Quang

Được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm, lễ hội giã cốm ở xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn. Trong tiết trời Thu, lễ hội giã cốm không chỉ mở đầu cho vụ thu hoạch mới mà còn là khoảng thời gian để đồng bào nơi đây có dịp giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN