Rộn ràng mùa cốm dẹp Ba So Trà Vinh

Cốm dẹp là phẩm vật chính dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của đồng bào Khmer trong lễ hội Ok Om Bok, được tổ chức định kỳ vào Rằm tháng 10 hàng năm.

Với hương vị rất riêng, theo dòng thời gian, món ăn này đã trở thành đặc sản và hình thành nên một làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài biết đến. 

Những ngày đầu tháng 10 âm lịch, làng cốm dẹp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, rộn ràng vào mùa sản xuất. Hơn 100 hộ dân đang tất bật, hối hả làm cốm để kịp cung cấp cho thị trường khi lễ hội Ok Om Bok đến. Toàn ấp Ba So có 326 hộ, với gần 1.400 nhân khẩu, trong đó số hộ đồng bào Khmer chiếm hơn 78%. Nghề cốm dẹp của đồng bào Khmer nơi đây là nghề cha truyền con nối đã hơn 100 năm. Đồng bào Khmer chủ yếu làm cốm theo mùa, nhưng hiện nay đã có nhiều hộ sản xuất quanh năm cho thu nhập ổn định, bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.     

Bà Trương Thị Di, ấp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) bán cốm dẹp cho khách.

Bà Trương Thị Di, ấp Ba So, xã Nhị Trường, có thâm    niên làm cốm dẹp 23, năm chia sẻ: Nghề này do cha mẹ bà truyền lại. Nguyên liệu làm cốm dẹp là lúa nếp với một giạ nếp (20 kg) sẽ cho ra 15 kg cốm dẹp thành phẩm. Mỗi kg cốm dẹp  được    bán với giá từ 40.000 - 45.000 đồng. Trước đây, gia đình bà chỉ làm cốm vào những dịp lễ, Tết, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện gia đình bà sản xuất cốm quanh năm. Nếu ngày thường, gia đình bà với 2 nhân công làm khoảng 2,5 - 3 giạ nếp/ngày, thì vào dịp lễ hội Ok Om Bok làm hơn 5 giạ/ngày vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán cũng cao hơn ngày thường từ 10.000 - 20.000 đồng/kg nên thu nhập cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày/người.     

Theo bà Di, để có được hạt cốm dẻo, thơm, người làm cốm phải bỏ ra rất nhiều công sức. Nguyên liệu chọn làm cốm phải là loại nếp sáp được mua giống từ tỉnh Long An. Với nếp vừa được thu hoạch thì chỉ cần phơi sơ là có thể rang, rồi đưa vào cối giã cho tất cả hạt nếp dẹp đều, sau khi sàng loại bỏ vỏ trấu là có cốm dẹp thành phẩm. Những lúc nghịch mùa, không có nếp vừa thu hoạch, khi dùng nếp phơi khô, người làm cốm phải ngâm nước cho mềm hạt trước khi đem rang. Công đoạn rang nếp cũng rất quan trọng, bởi phải rang cho hạt nếp vừa chín tới; nếu rang già lửa cốm sẽ cứng, non lửa cốm sẽ bị nhão.     

Năm nay, ở làng cốm Ba So phấn khởi nhất là cảnh giã cốm thủ công không còn nữa. Thay vào đó là âm thanh rộn rã vang đều của những chiếc máy giã cốm. Hầu hết các hộ làm cốm đã trang bị máy giã với giá 15 triệu đồng/chiếc, nhờ vậy việc sản xuất cốm của bà con đỡ vất vả hơn rất nhiều.     

Trước đây, để tạo ra sản phẩm cốm dẹp theo phương pháp thủ công cần phải có từ 4 - 5 người, gồm các công đoạn rang nếp, giã cốm, sàng cốm. Riêng công đoạn giã cốm cần có 2 người đàn ông khỏe mạnh dùng  2 chiếc chày gỗ thật to để giã và 1 người ngồi giữa lắc đều khay cốm, nhưng hiện nay với chiếc máy giã cốm chỉ cần 1 người ngồi lắc khay cốm. Không chỉ nhân công giảm gần 50%, mà năng suất và chất lượng sản phẩm cũng tăng mạnh. Từ đó, thu nhập của người dân làng cốm tăng đáng kể.   
  
Theo ông Kiên Banh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một trong ba lễ chính hàng năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (gồm các lễ Sêne Đolta, Ok Om Bok và Chôl-Chnam-Thmây) được tổ chức định kỳ vào ngày Rằm tháng 10 hàng năm. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn Thần Mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới, thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ…

Các phẩm vật dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp do chính họ làm ra, trong đó cốm dẹp được làm từ lúa nếp là phẩm vật không thể thiếu. Từ chỗ là món ẩm thực mang ý nghĩa tâm linh đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, hiện món ăn này đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Tùy ý thích nhưng ngày nay mọi người thường trộn cốm dẹp với dừa nạo, đường, muối và một chút nước dừa, để khoảng 30 phút là có thể thưởng thức.     

Ông Trần Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu làm cốm dẹp của địa phương rất dồi dào. Toàn xã Nhị Trường hiện có 42 hộ trồng lúa nếp với tổng diện tích khoảng 15 ha, đủ phục vụ nguyên liệu sản xuất cốm dẹp cho các hộ làm cốm nơi đây. Các hộ làm cốm cũng đã tham gia tổ hợp tác và làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu "Cốm dẹp Ba So"… Tuy nhiên, do chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ theo mùa vụ, thiếu liên kết nên giá cốm luôn biến động.

Để làng cốm dẹp Ba So phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã kiến nghị UBND huyện Cầu Ngang, các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng làng nghề, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người làm cốm, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. 
Bài và ảnh: Thanh Hòa
Tú Lệ vào mùa cốm mới
Tú Lệ vào mùa cốm mới

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 10, xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) lại bước vào mùa cốm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN