Hội thảo văn học, điện ảnh Việt Nam tại Paris

Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam đương đại: Văn học, điện ảnh, ngôn ngữ" được tổ chức trong các ngày 17-19/3 tại Paris nhằm đánh giá tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn học, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam đương đại với bạn bè quốc tế.

Hội thảo do bốn trường đại học của Pháp gồm Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO-Paris), Đại học Paris-Diderot, Đại học Paris-Est Créteil và Đại học Aix-Marseille cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học San Francisco (Mỹ), Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật bản) và Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) phối hợp tổ chức.

4 tiểu thuyết của Việt Nam, viết về Việt Nam sẽ được phát hành bản tiếng Pháp ngày 19/3. Ảnh: vnexpress.net


Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, phê bình điện ảnh và dịch giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Benoît Paumier, Tổng phụ trách các hoạt động Năm giao lưu Pháp-Việt Nam, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014. Có thể coi đây là hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực văn học được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ông Paumier đặc biệt nhấn mạnh quy mô quốc tế khi Hội thảo thu hút không chỉ các nhà nghiên cứu người Pháp, người Việt Nam, mà còn cả giới học giả đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Thái Lan.

Ông cũng đánh giá cao nội dung các tham luận và các buổi tọa đàm về nền văn học Việt Nam, thế hệ tác giả mới, văn học của các tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Pháp và các tác phẩm của bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông cho rằng văn học Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng, các nhà xuất bản Pháp và gặt hái được một số thành công. Bằng chứng là chỉ mấy ngày sau Hội thảo, bốn tác phẩm văn học Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế tại Paris.

Ông Aboubakr Chraibi, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, đánh giá Hội thảo góp phần tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới, với văn hóa và ngôn ngữ tiếng Pháp như là cầu nối, nối Việt Nam với các trào lưu sáng tác văn học đương đại quốc tế.

Bà Đoàn Cầm Thi, Phó Giáo sư Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam, nêu rõ đây là cơ hội tốt nhằm giới thiệu ra thế giới nền văn học và điện ảnh đương đại của Việt Nam cùng với thế hệ các nhà văn, nhà đạo diễn lớn lên và trưởng thành cùng với thời đại toàn cầu hóa.


TTXVN/Tin tức

Công bố bản dịch tiếng Nga mới của 'Việt sử lược'
Công bố bản dịch tiếng Nga mới của 'Việt sử lược'

"Việt sử lược", một trong những cuốn biên niên sử cổ nhất của Việt Nam, một lần nữa được giới thiệu với giới nghiên cứu và công chúng Nga dưới hình thức một bản dịch tiếng Nga mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN