Hoạt hình Việt Nam, đổi mới để phục vụ công chúng

Việt Nam có gần 40% dân số là trẻ em, nhưng đài phát thanh - truyền hình có thời lượng phát sóng chương trình cho thiếu nhi cao nhất chỉ chiếm 10,3%, các đài còn lại chỉ đạt khoảng 2%, thậm chí 1%... Làm thế nào để các em thiếu nhi được xem phim hoạt hình Việt Nam không chỉ là ước mong của các khán giả nhỏ tuổi, mà là trăn trở của cả những người làm phim hoạt hình.

Từng bước chuyển mình

Cảnh trong phim “Càng to, càng nhỏ”, một bộ phim hoạt hình Việt Nam.


Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim hoạt hình Việt Nam (gọi tắt là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) thành lập ngày 9/11/1959, trên cơ sở “Xưởng hoạt họa búp bê Việt Nam”. Năm 1960, những thước phim hoạt hình đen trắng đầu tiên của bộ phim “Đáng đời thằng Cáo” ra mắt khán giả, đánh dấu sự ra đời của phim hoạt hình Việt Nam.

Những năm 1960 - 1975, dù trong chiến tranh, trong gian khó, nhiều lúc vừa sơ tán vừa sản xuất… nhưng vẫn có vài chục bộ phim hoạt hình ra đời, ở nhiều thể loại phim vẽ, phim cắt giấy, phim búp bê… trong đó có nhiều bộ phim có chất lượng, đạt giải cao trong các Liên hoan phim quốc gia và quốc tế.

Có thể kể đến như phim hoạt hình “Mèo con” - Giải Bồ nông bạc LHP Mamaia (Rumani) 1966, bằng khen tại LHP Phrăngphuốc 1967; “Chuyện Ông Gióng” - Giải Bồ câu vàng LHP Lai xich (CHDC Đức) 1971, Bằng khen tại LHP Matxcova 1971… Cũng trong giai đoạn này, một đội ngũ nghệ sĩ làm phim hoạt hình được rèn luyện và trưởng thành, nhiều tên tuổi nghệ sĩ tài năng được tôn vinh như nghệ sĩ Trương Qua, Hồ Quảng, Mạnh Lân, Mai Long, Nghiêm Dung…

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, do chưa có chính sách và mô hình quản lý đồng bộ, phù hợp cơ chế thị trường, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ sản xuất 1-2 bộ phim. Để tự “cứu” mình, lãnh đạo Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức điều hành sản xuất, đổi mới tư duy nghệ thuật và phong cách sáng tác, đổi mới quy trình công nghệ, nâng cấp và hiện đại các trang thiết bị, ứng dụng các thành tựu kỹ thuật tiên tiến để sản xuất phim...

Những cố gắng của đội ngũ lãnh đạo, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Hãng phim hoạt hình Việt Nam từng bước chuyển mình. Đến nay, Hãng đã có trong tay một cơ sở hạ tầng khang trang với hệ thống văn phòng làm việc, nhà xưởng sản xuất, trường quay, phòng thu, rạp chiếu phim… đảm bảo chất lượng. Mỗi năm hãng cũng nhận sản xuất khoảng 10-15 phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Tạo sức hút

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng phim hoạt hình Việt Nam. Đề tài cũng được mở rộng, nhiều bộ phim có nội dung đề cập đến nhiều mảng của đời sống, phản ánh hiện thực cuộc sống một cách đa dạng, mang hơi thở của thời đại hơn.

Phim được sản xuất ra, nhưng khi liên hệ với các đài truyền hình để đưa phim đến với khán giả thì lại bị từ chối, vì nhiều lý do khác nhau. Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã phải “tự bơi”, tìm mọi cách để đưa phim hoạt hình Việt Nam đến gần công chúng.

Hãng tổ chức các chiến dịch chiếu phim hoạt hình Việt Nam vào mùa hè để thu hút khán giả; tổ chức in và phát hành đĩa phim hoạt hình Việt Nam tới tận tay các khán giả nhỏ tuổi; liên hệ và tổ chức chiếu lưu động theo yêu cầu tại các trường mẫu giáo, tiểu học; phối hợp với một số đài truyền hình địa phương để cung cấp phim chiếu trên truyền hình...

Hãng cũng đã ký hợp đồng về khai thác và sử dụng bản quyền và độc quyền kinh doanh các tác phẩm điện ảnh, phim trên mạng viễn thông di động để khán giả nhí có thể xem phim hoạt hình Việt Nam trên các mạng di động, trên kênh MyTV...  Từ tháng 1/2014, 200 chương trình “Phim hoạt hình đặc sắc” đã lên sóng trên kênh truyền hình thiếu nhi Kids TV - VTC11.

Đầu năm 2014, hãng đã khai trương rạp chiếu phim Thánh Gióng, rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam tại trụ sở hãng, số 7 đường Trần Phú (Hà Nội). Với việc khai trương rạp Thánh Gióng, hàng trăm bộ phim hoạt hình Việt Nam có cơ hội được đến gần hơn với công chúng.

Theo đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn, những năm qua, hãng luôn chú trọng đầu tư vào khai thác kịch bản, khai thác các mảng đề tài, những tuyến nhân vật gần gũi với trẻ em Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lương hình ảnh, nội dung của các bộ phim để đưa phim hoạt hình Việt Nam đến với khán giả. Đặc biệt, chú trọng đầu tư vào sản xuất các seri phim hoạt hình dài tập, để thu hút sự chú ý của các em, bởi đây là thể loại phim dễ đi vào lòng khán giả. 


Phương Hà


Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc
Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Cục Điện ảnh đã khai mạc Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc. Lễ hội diễn ra từ ngày 9 đến 11/10 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN