Để gia cố tháp K, các chuyên gia đã tiến hành vệ sinh toàn bộ thân tháp, thay thế những viên gạch bị hư hỏng bằng chính những viên gạch được khai quật dưới lòng đất xung quanh tháp K và kết dính chúng bằng một hợp chất đặc biệt. Các chuyên gia đã dùng vật liệu gỗ để làm hệ thống kèo nhằm chống đỡ cho tháp khỏi bị đổ ngã trước sự tác động của tự nhiên.
Một phần đường cổ và tường dẫn lúc đang tu sửa. |
Đối với tuyến đường cổ vừa mới phát lộ, các chuyên gia đã sử dụng hơn 4000 viên gạch được khai quật từ con đường cổ bị vùi lấp trong lòng đất và một phần gạch mới được đặt sản xuất thủ công để thi công hai bờ tường dẫn. Hai bờ tường dẫn của đoạn đầu đường cổ cách nhau 8 m, rộng mỗi bên 0,6 m, dài 15 m.
Trong đợt trùng tu từ tháng 4/2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất. Tuyến đường cổ vừa phát lộ tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có điểm đầu tại chân tháp K hay còn gọi là tháp Cổng, còn điểm cuối chưa thể xác định được.
Song, các chuyên gia nhận định, điểm cuối của con đường này là khu vực hành lễ tại trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn. Các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam cũng nhận định, đây có thể là con đường dành riêng cho hoàng gia và các thành viên trong hoàng tộc, cũng như các vị chức sắc tôn giáo mỗi dịp tổ chức hành lễ tại Thánh địa Mỹ Sơn.
Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, công tác trùng tu tháp K và các hạng mục khác trong Di sản sẽ được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục thực hiện vào đầu năm 2018.