Bắt đầu vẽ từ khi lên 3 tuổi, cho tới bây giờ khi bước sang tuổi 70, đã 67 năm họa sỹ Phạm Lực gắn bó với nghề vẽ. Say nghề và tâm huyết với nghề, ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm phong phú về cả đề tài và chất liệu. Đối với ông “ngày nào không được vẽ là ngày đó không chịu được, ngay cả khi ốm cũng vẫn tiếp tục vẽ”...
Căn nhà 175 Nghi Tàm (Hà Nội) vừa là xưởng vẽ, vừa là nơi sinh sống của họa sỹ Phạm Lực. Phòng nào cũng có tranh, bức này chồng lên bức kia, có những bức vừa mới khô màu được dựng ở góc tường, có những bức vẽ đã khá lâu được họa sỹ trân trọng treo lên các bức tường trong phòng… Thế mới biết sức sáng tạo của Phạm Lực. Một ngày trung bình ông có thể vẽ 10 bức tranh, có những ngày con số còn nhiều hơn thế. Các bức tranh được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, từ sơn dầu, sơn mài cho tới khắc gỗ, thạch cao... Họa sỹ Phạm Lực tâm sự: “Nếu những họa sỹ khác thường chỉ chuyên về một chất liệu nào đó thì tôi chuyên đều mọi chất liệu”.
Sinh năm 1943 tại Huế, nhưng gia đình Phạm Lực đã ly tán từ khi ông còn nhỏ. Phạm Lực sống với mẹ. Lên 3 tuổi đã "thèm vẽ". Có trong tay hòn than, hòn đá, que củi là ông vẽ, vẽ ở khắp nơi: trên đất, nền nhà, rồi trên cả tường nhà hàng xóm. Hoạ sỹ Phạm Lực nhớ lại: “Nghe mẹ tôi kể lại, hồi tôi còn chưa biết nói, tranh tôi đã được rất nhiều người hàng xóm yêu thích, họ còn kéo đến tận nhà tôi để xem tôi vẽ tranh”. Đến khi đi học, cũng nhờ tài vẽ khéo mà ông được lên lớp. Năm 1959, Phạm Lực thi vào trường Trung cấp Mỹ thuật. Cậu học trò nghèo từ quê lên mang theo khúc gỗ lớn làm bảng vẽ, khiến các bạn cùng phòng thi được phen cười ngặt nghẽo. Ấy thế mà Phạm Lực đã đỗ ngay kỳ thi năm ấy. Trải qua bao năm tháng, tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật, làm ở Ty văn hóa Hà Đông, đi bội đội, rồi về Phòng Văn nghệ Quân đội (Tổng cục Chính trị), “cậu học trò nhà quê” ngày nào vẫn không ngừng theo đuổi đam mê hội họa, giờ đây đã trở thành hoạ sỹ Phạm Lực với những tác phẩm được nhiều người yêu mến.
Bài và ảnh:Vân Ly