Sinh ra và lớn lên tại làng đào Phú Thượng nổi tiếng của Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa (SN 1973) không chỉ gắn bó với cây đào từ nhỏ, mà còn đưa loài hoa đặc biệt này vào nguồn cảm hứng sáng tác của mình. Đất và người vì thế càng trở nên gắn bó, nghĩa tình.
Một thời ghét hoa…
Có vẻ thật mâu thuẫn khi Nguyễn Hữu Khoa dù sinh ra và lớn lên tại vùng đất của đào nhưng lại không hề thích loài hoa vô cùng đẹp đẽ, đặc trưng của miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về. Những năm tháng khó nhọc cùng cây đào để lại những ám ảnh về sự vất vả trong tâm trí cậu bé.
Bố Khoa thuộc lớp sĩ quan bảo vệ an ninh biên giới biển. Ở nhà chỉ có mình mẹ bươn chải nuôi ba đứa con, vì thế bố anh xin chuyển ngành về địa phương. Mẹ là cán bộ Ủy ban nhân dân xã Phú Thượng nhưng thời kỳ trước thu nhập được tính bằng thóc theo công điểm nên kinh tế gia đình eo hẹp. Để có thể cải thiện cuộc sống, cũng giống như người làng Phú Thượng, gia đình Khoa ngoài cấy lúa, nuôi lợn gà, cũng trồng đào.
Mùa hè nắng cháy da, mỗi ngày cậu bé gày gò phải gánh nước từ cái ao cách chân ruộng vài chục mét tưới cho từng gốc đào. Đất đào Phú Thượng, cũng giống như Nhật Tân vốn hợp với cây đào là thế, nhưng vài ba năm cũng bị thoái hóa. Vậy là cậu bé Khoa, khi mới học lớp năm, đã phải vã bùn từ ao lên vườn, người ngợm lấm lem.
Loài hoa mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lần, nở vào dịp Tết, vốn rất khó chiều và nó cũng làm cho người trồng đào lo lắng từ khi tuốt lá đến khi thu hoạch. Thời tiết thuận thì không sao, năm nào rét quá, đào không nở được hoặc trời nắng quá đào nở bung trước Tết thì năm ấy người trồng đào chỉ còn biết ngậm ngùi.
Nhưng vất vả ấy vẫn không là gì so với việc đem đào đi bán. Nhà nào gốc đào đẹp thì được thương lái đến tận vườn, có khi đặt mua từ vài tháng trước tết, nhưng nhà Khoa có vài ba trăm gốc, tự đi bán lấy là chính. Áp Tết, khi phiên chợ hoa Hàng Lược nổi tiếng khu phố cổ khai mạc là lúc cả nhà Khoa chạy bươn bả cùng đào. Hai anh em Khoa đứng bán, còn mình bố Khoa cắt đào từ Phú Thượng trên chiếc xe đạp lọc cọc mang ra chợ. Chừng nào đào còn chưa bán hết thì chừng ấy cả nhà còn lo lắng đứng ngồi không yên.
Nguyễn Hữu Khoa kể rằng, cây đào cứ như trêu ngươi người trồng, gia đình anh nhờ nó mà có thêm nguồn thu nhập nhưng cứ một năm được mùa thì năm sau sẽ lại mất mùa. Ba trăm gốc đào chưa phải là nhiều so với dân Phú Thượng nhưng sau khi anh trai bị hen phế quản chuyển vào Nam, Khoa vào đại học rồi đi làm thì gia đình anh cũng thôi không trồng đào nữa.
Một tác phẩm của Nguyễn Hữu Khoa. |
Cùng với quá trình đô thị hóa, hơn chục năm nay, đất trồng đào Nhật Tân, Phú Thượng bị thu hẹp lại nhường cho xây dựng khu đô thị mới. Bây giờ, Nhật Tân đã không còn đất để trồng đào, các hộ dân phải chuyển ra canh tác ngoài bãi sông Hồng. Người dân Phú Thượng trồng đào trên diện tích đất trồng đào cũ đã được đền bù nên cũng chỉ biết ngày nào hay ngày đấy. Có lẽ cây đào còn được trồng như hiện nay bởi hiện tại thị trường nhà đất đang trầm lắng.
“Cây đào có thể bị dạt về những vùng xa hơn. Không kể đến thổ nhưỡng, nhưng để có được kinh nghiệm trồng đào đẹp như Nhật Tân, Phú Thượng thì phải mất nhiều năm người trồng đào nơi khác mới có được. Thật tiếc cho một thời kỳ rực rỡ của đất đào này”, Hữu Khoa nói.
Để thấy yêu thương hơn
Tiếc cho cây đào, cũng là tiếc cho làng hoa truyền thống của Hà Nội rồi sẽ chỉ còn “một thời vang bóng” giống như làng hoa Ngọc Hà, Nguyễn Hữu Khoa thấy mình có trách nhiệm với loài hoa ấy. Và anh đã chọn cách thể hiện tình yêu ấy qua nét cọ, sau nhiều năm không thể yêu mến loài hoa mà anh đã phải quá vất vả với nó.
Vậy là Nguyễn Hữu Khoa vẽ đào. Cây đào vốn đã thân thuộc, nay vào tranh của anh càng trở nên thân thuộc hơn. Cây đào có nhiều sắc thái khác nhau với những đặc trưng riêng của đào phai, đào bích. Bức vẽ ấy có thể là một gốc đào già, thân đẹp, nụ hoa thưa thớt hoặc đào hạt với hoa chi chít, dày đặc từng cành. Có những bức vẽ cành đào với những nụ (mắt) trắng, nụ bộp (chuẩn bị hé nở).
Là người trồng đào nhiều năm nên khi vẽ chính loài hoa ấy, anh hiểu rõ những thế cây, cấu trúc phân bố nụ, cấu trúc thân cành, độ xòe của cánh bao nhiêu là đủ, độ khum của cành chừng nào là đẹp. Nhiều bức vẽ cuốn anh đi. Cảm xúc luôn khiến anh hưng phấn khi cầm cọ nên có bức anh vẽ rất nhanh, chỉ vài tiếng đồng hồ. Nhưng cũng có bức vì cầu toàn không ưng ý, hoặc muốn thay đổi tông màu mà có lúc phải gác lại. Ba năm dồn sức cho vẽ đào, cuối cùng cũng xong, đem chọn mấy chục bức triển lãm tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài ngay trước Tết Giáp Ngọ.
Tại nhà triển lãm, Nguyễn Hữu Khoa cũng cắm một cành đào phai, hoa đang vào kỳ nở rộ. Nguyễn Hữu Khoa bảo rằng, cây đào thế không cần quá to, cao khoảng hơn một mét, gốc xù xì tự nhiên (không có sự tác động của con người), có rêu, hoa kép to, cánh dầy, nhiều nụ, có lộc. Cây uốn theo một dáng nào đấy, thế trực, thế hoành, bạt phong hoặc thác đổ thì được coi là đẹp. Nhưng riêng anh lại thích đào phai, thế đào tự nhiên. Hoặc đơn giản cành đào ấy được cắt từ một cây đào ra, tất nhiên hoa phải to, hoa đơn.
Nguyễn Hữu Khoa vốn mê vẽ từ thuở nhỏ. Niềm yêu thích ấy đủ khiến cậu bé suốt những tháng hè khi còn học tiểu học chăm chỉ bắt xe khách từ Phú Thượng vào nội thành học vẽ ở Nhà thiếu nhi thành phố. Những chuyến xe lèn chặt người, nhất là vào mùa hè mùi mô hôi ngột ngạt, mùi lợn gà bốc lên nồng nặc. Cậu bé đứng chỉ đến hông người lớn, mồm mũi tranh nhau thở. Nhưng những chuyến xe nhớ đời ấy lại chuyên chở ước mơ đầy khát khao được vẽ của cậu. Khi ấy, Khoa chủ yếu vẽ bằng bột màu trên giấy báo.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, khi đang luyện thi đại học, Khoa gửi tranh vui, tranh biếm họa đến một số tờ báo. Nhuận bút của bức tranh đầu tiên đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong khi đó là cả một gia tài với một cậu học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba như Khoa. Nguyễn Hữu Khoa bén duyên vẽ minh họa cho báo chí như thế. Tờ báo anh gắn bó từ những ngày đầu thành lập là báo Hoa học trò. Cũng ở tờ báo này, Khoa trở thành một cộng tác viên đặc biệt, với thu nhập cao gấp hàng chục lần lương của người công nhân bình thường khi ấy. Từ đó, Khoa vẽ minh họa cho khoảng 20 tờ báo từ Nam chí Bắc. Những bút danh như Khoa, Còm, Khoái, … đã trở nên quen thuộc với làng báo.
Đến bây giờ anh cũng vẫn làm công việc ấy, bên cạnh việc phụ trách mỹ thuật, chịu trách nhiệm thiết kế bìa chính ở Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, tất nhiên bây giờ khi đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của công ty thì anh chỉ thiết kế những bìa sách nào khó của Nhã Nam. Cũng bởi mê vẽ mà Nguyễn Hữu Khoa đã tổ chức được ba triển lãm hí họa, mà theo anh, những triển lãm này anh tự bỏ tiền ra để… chơi.
Nhưng niềm đam mê hội họa vẫn là niềm say mê bền bỉ nhất. Thế nên mặc dù thi vào khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật (khóa thi năm ấy, Đại học Mỹ thuật chỉ tuyển 25 người, trong đó khoa Điêu khắc chỉ lấy bốn, năm người) ngoài thời gian học điêu khắc, anh theo bạn bè khoa Hội họa đi vẽ. Vẽ sơn dầu sau này cũng là do Khoa tự học, dĩ nhiên không hề dễ dàng. Triển lãm hoa đào lần này cũng là để thỏa niềm say mê ấy.
Nguyễn Hữu Khoa nói rằng, sau triển lãm này, anh sẽ tiếp tục vẽ hoa đào cho đến khi nào không còn cảm hứng sáng tạo nữa mới thôi. Tiền bán tranh từ triển lãm về hoa từ ba năm trước cộng với tiền bán tranh từ triển lãm này anh sẽ phải chi tiêu thật dè sẻn để có thể tiếp tục sáng tác, bởi không phải lúc nào cũng có thể bán được tranh. Nhưng dù tranh có bán được hay không, anh cũng vẫn tiếp tục vẽ. Niềm yêu thích ấy không thể đánh đổi bằng thứ gì khác. Giống như tình yêu của anh dành cho loài hoa đặc biệt này. Anh vẽ bây giờ còn bởi sự thúc giục từ con tim mình, bởi lo sợ sự mất đi vĩnh viễn của một nghề truyền thống. “Bây giờ càng vẽ càng yêu. Khi một cái gì đã mất đi thì càng trở nên yêu quý nó”, anh nói. Tình yêu ấy cũng giống như tình yêu anh dành cho ngôi nhà đã xây cách đây hai chục năm với kiến trúc cổ mà anh không muốn sửa sang. Để rồi khi làng đã lên phố, ở một góc sân nhỏ vẫn trồng một cây đào để mỗi dịp xuân về, ngồi trong nhà nhìn ra có thể ngắm nhìn để mãi ghi nhớ mình là người của làng đào nổi tiếng Hà thành từ bao đời nay.
Xuân Phong