Hoa hậu "trả ngôi" Triệu Thị Hà - chiêu trò đánh bóng?

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội khá “nóng” với sự việc Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011 Triệu Thị Hà “xin trả lại vương miện”, cùng những thông tin “na ná” lời tố cáo với đơn vị tổ chức là bắt Triệu Thị Hà đi “tiếp khách” lúc nửa đêm, rồi việc chỉ nhận được vài triệu đồng cho mỗi lần tham gia hoạt động xã hội…


Cho tới tận chiều 22/5, đại diện đơn vị tổ chức, Hoa hậu Kim Hồng- Chủ tịch HĐQT Công ty CIAT mới lên tiếng về sự việc, sau khi Triệu Thị Hà đã kịp có mặt trên rất nhiều tờ báo mạng. Và câu chuyện đằng sau những “lùm xùm” của Triệu Thị Hà đã được sáng tỏ.


Bằng chứng về những vi phạm của Triệu Thị Hà được BTC cung cấp.


Chưa xử lý vì muốn tạo cơ hội


Theo TS Kim Hồng, cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần 2 năm 2011 do Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Quốc tế CIAT phối hợp với Ủy ban Dân tộc Chính phủ tổ chức, là cuộc thi Hoa hậu có quy mô cấp quốc gia trong năm 2011, nhằm tạo ra một sự kiện văn hóa - sắc đẹp tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam năm 2011; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó của 54 dân tộc anh em trong cả nước; góp phần bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa của từng dân tộc, thúc đẩy quảng bá du lịch, thông qua việc giới thiệu đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với các danh lam thắng cảnh và những vùng đất các dân tộc thiểu số, miền núi và các địa danh lịch sử Việt Nam.


Trong đêm chung kết - lễ đăng quang ngày 10/12/2011 tại Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh), Hội đồng giám khảo đã chấm chọn và Ban tổ chức đã trao danh hiệu và giải thưởng Hoa hậu, Á hậu và các danh hiệu khác. Trong đó Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Thái Nguyên, sinh năm 1992, thường trú tại xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, đã đạt danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2 năm 2011.


Rất nhiều bản tường trình của Triệu Thị Hà về những sai phạm trong suốt thời gian 2 năm sau khi đăng quang.


“Trước đêm chung kết, tất cả các thí sinh đều viết cam kết tự nguyện nếu đoạt giải Hoa hậu, á hậu hay các giải thưởng phụ sẽ tham gia đầy đủ các chương trình hoạt động xã hội, từ thiện, giao lưu văn hóa do Công ty CIAT đề ra trong thời gian 2 năm, từ ngày 10/12/2011 đến ngày 10/12/2013. Bản thân Triệu Thị Hà, sau đêm đăng quang 10/12/2011, cũng ký biên bản thỏa thuận thực hiện sứ mệnh của một Hoa hậu Dân tộc trong thời kỳ đương nhiệm với thời gian như trên.


Tuy nhiên, sau khi đăng quang hoa hậu, cô Triệu Thị Hà đã nhiều lần không thực hiện đúng theo cam kết của mình. Công ty CIAT đã nhắc nhở, nhiều lần liên lạc với gia đình và trường học được biết Triệu Thị Hà không còn ở quê nhà và không còn học tại trường Đại học Thái Nguyên. Sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, email, nhưng vẫn không nhận được sự hồi âm của Triệu Thị Hà, Công ty CIAT đã có văn bản gửi đến Cục An ninh Nội bộ A83 - Bộ Công an về việc hỗ trợ thông tin của Triệu Thị Hà, lúc đó mới biết cô đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.


Vào ngày 15/3/2013 Triệu Thị Hà đã đến làm việc với Công ty CIAT để tường trình về sự vắng mặt của mình trong suốt thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 3/2013 như sau: “ Sau Tết tôi có tham gia hoạt động xã hội các chương trình từ hiện cùng BTC và top 15, bên cạnh đó tôi cũng đi vận động được 35 triệu do công ty TNHH Đầu tư địa ốc TP - City Land tài trợ và tổ chức đi từ thiện tặng sách vở cho các em thiếu nhi và tặng sữa cho các cụ già tại xóm Đà Vĩ Trên, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng. Sau đó, tôi quay về trường tiếp tục học đến tháng 5/2012, tôi đã bảo lưu kết quả học tại ĐH Kinh tế QTKD Thái Nguyên để vào TP Hồ Chí Minh làm thủ tục chuyển trường mà không thông báo cho BTC biết. Vì thời điểm đó tôi có hoàn cảnh cá nhân riêng và không còn lưu trú thường xuyên tại địa phương, việc làm này của tôi đã một phần làm ảnh hưởng tới những hoạt động của công ty. Nay bằng văn bản này, kính mong Ban lãnh đạo cho tôi thành thật xin lỗi, thời gian qua, tôi tự nhận thấy chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm như đã cam kết. Được biết, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN lần 3 tổ chức vào tháng 6/2013 tại Hội An Quảng Nam, là một đương kim Hoa hậu tôi xin cam kết chấp hành kế hoạch của BTC đề ra”.


Để tạo cơ hội cho Triệu Thị Hà nhận thức được sai sót của mình nên Công ty CIAT đã tạo điều kiện đưa Hoa hậu Triệu Thị Hà đến gặp các vị lãnh đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để xin lỗi và nhận khuyết điểm. Cô Triệu Thị Hà cũng đã được các vị lãnh đạo nhắc nhở, tha thứ và hy vọng cô Triệu Thị Hà sẽ thay đổi và thiện chí về sai phạm của mình”, Hoa hậu Kim Hồng cho biết.


Tuy nhiên, theo Hoa hậu Kim Hồng, trong thời gian này, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 năm 2013 đang diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, nên Công ty CIAT đã xin phép lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo, tạo cơ hội để cô Triệu Thị Hà chuộc lại lỗi lầm tích cực tham gia các hoạt động đồng hành cùng Công ty CIAT tuyên truyền, quảng bá cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, tuy nhiên Triệu Thị Hà vẫn không thực hiện những việc như những lời hứa của mình. Ngày 26/4/2013, cô Triệu Thị Hà đã có đơn xin trả lại danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2 năm 2011 gửi đến Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo và Công ty CIAT.


BTC làm rõ thông tin với báo giới.


Do trùng thời điểm với cuộc thi HH các dân tộc VN 2013 đang diễn ra, muốn giữ hình ảnh, uy tín và chất lượng của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và không muốn làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh tham dự cuộc thi nêncông ty CIAT, Ban tổ chức, ban chỉ đạo cuộc thi đã quyết định sẽ lùi thời hạn xử lý vụ việc đến khi cuộc thi HH các dân tộc VN 2013 kết thúc. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 năm 2013 tại TP. Hội An, có một số sự cố xảy ra, công ty CIAT lại phải tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến để chứng tỏ sự minh bạch của cuộc thi cho đến tận bây giờ, nên vẫn chưa thể thông tin đến các cơ quan thông tin đại chúng về sự việc.


“Được biết sau khi có đơn xin tự rút danh hiệu hoa hậu, nhưng cô Triệu Thị Hà vẫn sử dụng danh hiệu hoa hậu của mình trên một số báo mạng và một số hoạt động, sự kiện khác”, Hoa hậu Kim Hồng cho biết.


Cũng theo Hoa hậu Kim Hồng, qua 2 năm, sự việc của Triệu Thị Hà đã làm ảnh hưởng về uy tín, danh dự thương hiệu cuộc thi và cũng làm thiệt hại về kinh tế mà công ty CIAT đã ký kết với các doanh nghiệp đã tài trợ, hỗ trợ đồng hành cho cuộc thi. Nhằm giữ gìn uy tín thương hiệu của cuộc thi mang tầm quốc gia và ý nghĩa cao đẹp của cuộc thi là tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, tài năng của thiếu nữ các dân tộc Việt Nam; tránh trường hợp cô Triệu Thị Hà sử dụng danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam có những hoạt động cá nhân tiêu cực; cũng là răn đe, giáo dục tư cách đạo đức, ý thức trách nhiệm cộng đồng đối với cô Triệu Thị Hà; rút kinh nghiệm cho các thí sinh đã đoạt giải trong các cuộc thi trước đây và sắp tới, công ty CIAT đã gửi công văn tới xin Cục Nghệ thuật biểu diễn xin ý kiến về trường hợp của Triệu Thị Hà, nhằm có cơ sở để xử lý.


Phải làm nghiêm để răn đe


Xuyên suốt những thông tin mà Công ty CIAT đưa ra, cũng như những gì Triệu Thị Hà trả lời trên báo chí, có thể thấy lý do mà Công ty CIAT có đơn kiến nghị xin rút danh hiệu của Triệu Thị Hà là bởi những vi phạm của cô trong việc thực hiện cam kết đồng hành cùng cuộc thi, mà nói đúng hơn là cam kết tham gia các hoạt động xã hội của Hoa hậu sau khi đăng quang.


Hình ảnh của Triệu Thị Hà tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011.


Và hình ảnh "sành điệu" của Triệu Thị Hà tại sân bay ngày 22/5.


Về vấn đề này, có lẽ dư luận cũng đã “được”, hay nói đúng hơn là “phải” nghe nhiều về tư cách của các Hoa hậu sau đăng quang. Một Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã từng khẳng định: Thường sau khi đăng quang, do tuổi trẻ, do tiếp xúc với một “môi trường mới” nên các em thường rất nhanh chóng quên đi những gì mình đã cam kết trong cuộc thi, né tránh những hoạt động xã hội của mình. Đây là điều rất nguy hiểm và cần sớm có chế tài để xử lý, yêu cầu các thí sinh phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình sau đăng quang.


Với trường hợp của Triệu Thị Hà, có vẻ khá rõ ràng với “đòi hỏi” của cô khi thực hiện trách nhiệm xã hội. Cô đã lên báo để “làm rõ”: “Tôi tham gia đi vận động các thí sinh dự thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam hoặc vận động tài trợ… bỏ dở việc học hành cả tuần liền, vậy mà thù lao chỉ có vài triệu đồng”. Có lẽ, đây cũng là Hoa hậu đầu tiên “dám” lên tiếng về việc đòi thù lao cho hoạt động xã hội của mình! Không cần bình luận nhiều về “tư cách” của cô Hoa hậu này. Và có lẽ, cũng vì thế mà Triệu Thị Hà chỉ xuất hiện trong những chương trình với mức cát xê được công bố là lên tới 50-100 triệu đồng trong thời gian gần đây!


Mới đây, Triệu Thị Hà cũng lên báo chia sẻ rằng cô không có tiền, không thể nổi tiếng vì bị BTC o ép, gia đình khó khăn, nhưng ngay trong những hình ảnh cô xuất hiện trong ngày 22/5 tại sân bay để ra Hà Nội làm việc với Cục NTBD về đơn xin rút danh hiệu của cô, cũng khiến công chúng bất ngờ với vé hạng thương gia và trang phục “sành điệu” như cách gọi của báo giới. Và nhiều người cũng đã đặt câu hỏi, phải chăng đây là chiêu trò PR của cô gái này, sau một thời gian dài “chìm nghỉm” do chính cách hành xử của bản thân (không chịu tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, không đồng hành cùng cuộc thi…). Nhất là khi đồng thời với việc lên báo "tố cáo BTC" và sự "mệt mỏi" vì danh hiệu Hoa hậu, thì Triệu Thị Hà cũng tung ra những bộ ảnh mới  "gợi cảm" của mình.


Chưa kết luận gì nhiều về cô Hoa hậu “ trả ngôi” này, tuy nhiên, cũng thật sự cần đặt câu hỏi về việc liệu đằng sau những lời của Triệu Thị Hà có bao phần gian dối, về việc tại sao “mệt mỏi” vì danh hiệu mà vẫn tiếp tục dùng danh hiệu để tham gia các hoạt động có cát xê. Đặc biệt, với việc đã xin trả lại danh hiệu từ năm 2013, mà đến nay Triệu Thị Hà vẫn lấy danh nghĩa Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam đi tham gia các hoạt động, thì có nên coi là một hành động lừa dối công chúng hay không?


Mọi việc đã được đưa lên tới các cơ quan chức năng, dẫu gì, quyết định cuối cùng sẽ là đơn vị chủ quản, mà ở đây là Cục NTBD và Bộ VH TT & DL. Tuy nhiên, có lẽ đây là lần cần sự nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, để thực sự “làm sạch” làng Hoa hậu, vốn luôn nổi sóng vì những scandal “tình, tiền”, cũng như những “chiêu trò” để đánh bóng mình. Không thể nương nhẹ với một người coi vương miện là phương tiện để “nổi tiếng” và kiếm tiến như vậy!


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN