Các tổ tuần tra xác định phương hướng, đánh dấu các điểm đã đến sau khi đi tuần tra, kiểm soát tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Thay đổi nhận thức
Nhiều năm nay, gia đình anh Trần Quốc Hẹn (thôn Cù Lạc 2, xã Phong Nha, tỉnh Quảng Trị) đã gắn cuộc sống của mình với những cánh rừng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thông qua việc nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng. Đặc biệt, từ các nguồn hỗ trợ kinh phí như nguồn phát triển lâm nghiệp và nguồn tín chỉ carbon đã góp phần hỗ trợ sinh kế cho gia đình anh Hẹn, giúp anh và người dân địa phương càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình hơn trong việc bảo vệ rừng.
Anh Trần Quốc Hẹn cho biết, trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, chưa nhận thức được vai trò của bảo vệ rừng, người dân có vào rừng để khai thác lâm sản về làm nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền và giao khoán bảo vệ rừng, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của rừng, gắn trách nhiệm của mình trong bảo vệ rừng, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Theo anh Hẹn, trung bình mỗi tháng, anh và các cán bộ Trung tâm bảo vệ rừng và Di sản (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) sẽ đi tuần tối thiểu 12 ngày, mỗi lần đi tuần tra sẽ đi theo nhóm khoảng từ 3 - 7 người, dựng lán, ăn ngủ trong những cánh rừng. Mỗi ngày, các tổ tuần tra này sẽ đi bộ khoảng 10 - 15 km đường rừng để kiểm tra hiện trạng rừng, ngăn chặn việc phá rừng, đồng thời tháo dỡ các bẫy thú rừng nếu có để bảo vệ động vật hoang dã.
Kiểm tra hiện trạng rừng, ngăn chặn việc phá rừng, đồng thời tháo dỡ các bẫy thú rừng nếu có để bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Anh Hoàng Hà (xã Phong Nha, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, hiện có hơn 300 hộ dân khác tại 35 thôn, bản vùng đệm và vùng lõi tiếp giáp với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn Di sản thông qua hoạt động cụ thể là bảo vệ rừng. Đồng thời, di sản này cũng tạo ra sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Không chỉ gìn giữ, bảo vệ di sản, mỗi người dân địa phương cũng là một “đại sứ”, tích cực giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng qua các hoạt động vận tải khách du lịch, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm... Từ đó, du khách trong nước và quốc tế có thể hiểu sâu hơn về hình ảnh, những giá trị cốt lõi về miền di sản, với những dãy núi đá vôi kỳ vĩ, động vật, thực vật đa dạng và đặc biệt là đầy tiềm năng phát triển du lịch.
Chị Nguyễn Thị Tình, nhân viên lái đò bến thuyền tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề đi rừng, khai thác lâm sản. Tuy nhiên, từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, chúng tôi đã chuyển nghề và sang lái đò phục vụ khách du lịch trên sông Son. Đây không chỉ là nghề mang lại thu nhập ổn định thông qua việc phục vụ du khách trong nước và quốc tế, mà còn là cơ hội giới thiệu, quảng bá những giá trị du lịch, giá trị sinh thái ở vùng đất di sản này".
Chính quyền và người dân đồng lòng
Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích 123.326 ha, gồm ba phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha) và phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha). Phong Nha - Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ, trong đó có 447 hang động với tổng chiều dài 246 km. Thảm thực vật với 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn, 21 kiểu thảm thực vật quan trọng; rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó trên 90% là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi lớn nhất Đông Nam Á và hầu hết chưa bị tác động.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng ghi nhận 2.954 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành, trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN. Ngoài ra, nơi đây cũng ghi nhận 1.399 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ; trong đó có 84 loài trong sách đỏ Việt Nam, 110 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới.
Thông qua hoạt động vận tải du lịch chở khách trên sông son tham quan động Phong Nha, người dân cũng tích cực tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh và giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: "Giá trị di sản là giá trị chung của nhân loại, đồng thời cũng là giá trị của cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi xác định, cộng đồng là một đối tượng chủ thể, tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; trong đó, bảo vệ di sản dựa trên 3 giá trị chính: Địa chất, địa mạo; hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, cộng đồng người dân địa phương đã trực tiếp tham gia vào bảo vệ rừng; chính quyền địa phương cũng tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng, chống cháy rừng; tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tranh thủ các nguồn chương trình dự án hỗ trợ để bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững và tạo thu nhập, giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định, chính quyền địa phương và cộng đồng đã nhận thức được rằng, việc tham gia bảo vệ di sản và giá trị của di sản đem lại quyền lợi, thu nhập trực tiếp cho người dân. Từ đó, người dân cũng tham gia một cách tích cực trong việc bảo vệ di sản và được các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các cấp đánh giá cao.
Từ việc cuộc sống bấp bênh gắn với khai thác gỗ rừng, khai thác lâm sản trái phép, ngày nay, các hộ dân sống xung quanh vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã từ bỏ việc phá rừng; thay vào đó là trồng, bảo vệ rừng, phục vụ du lịch. Người dân cùng tham gia bảo vệ và thụ hưởng giá trị của di sản mà thiên nhiên đã ban tặng.