Hát sắc bùa Phú Lễ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Tối 13/4, tại đình Phú Lễ, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát sắc bùa Phú Lễ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết: Nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ được Nhà nước vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Phú Lễ mà còn là niềm vui của những người trực tiếp hát sắc bùa, của tập thể, cộng đồng tâm huyết với công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (ngoài cùng bên phải) trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Hát sắc bùa Phú Lễ cho đại diện xã Phú Lễ. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Hát sắc bùa là một trong sáu loại hình diễn xướng dân gian ở Bến Tre. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng chúc tụng “người yên, vật thịnh” trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm ra đời của loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này, chỉ biết hát sắc bùa là một loại hình dân ca tối cổ, đến nay đã có nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.


Tục hát sắc bùa ở Bến Tre được xác định là có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ, cụ thể là vùng Quảng Ngãi - Bình Định đã cùng người dân vào Nam trong quá trình khai phá lập vùng đất Phú Lễ, huyện Ba Tri trong khoảng giữa thế kỷ 18. Hát sắc bùa Phú Lễ được ghi nhận là do ông Trần Văn Hậu (quê Bình Định) dạy cho dân Phú Lễ hát. Lúc đầu chỉ có đội hát sắc bùa xã Phú Lễ, sau đó các đội viên làm nòng cốt phát triển sang các xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây (Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm).


Hát sắc bùa Phú Lễ là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo, mang yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới, mùa màng cây cối tốt tươi, tống quỷ, trừ ma, cầu cho trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo. Nghệ thuật h át sắc bùa Phú Lễ được kết hợp nhiều nghệ thuật dân gian, gồm hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp.

Các em học sinh tập hát sắc bùa Phú Lễ ở sân trường THCS Phú Lễ, huyện Ba Tri. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Một đội hát sắc bùa có ít nhất 4 người, có khi lên đến 8 hoặc 12 người, dưới sự điều khiển của một ông bầu. Thành viên của đội hát sắc bùa vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa gồm: một đàn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái được chia đều cho số nghệ nhân còn lại. Lời hát sắc bùa Phú Lễ là những bài thơ dài thuộc thể thơ lục bát, thơ năm chữ hoặc bốn chữ, xuất xứ từ thơ ca trữ tình của nền văn học dân gian, có cùng một làn điệu và bố cục gần như tương tự.


Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản văn hóa và Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre đã tổ chức truyền dạy hát sắc bùa cho 40 người là những hạt nhân nòng cốt của diễn xướng hát sắc bùa tại địa phương. Tuy nhiên, hát sắc bùa Phú Lễ đang có nguy cơ mai một do không còn không gian trình diễn, lớp nghệ nhân đi trước đã qua đời...


Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước đề nghị các cấp chính quyền ở cơ sở, các ngành liên quan dành sự quan tâm đến hoạt động của các đội hát sắc bùa; đồng thời, khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác thêm những bài, bản mới để hát sắc bùa Phú Lễ xuất hiện ngày càng gần gũi hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.


Tin, ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Truyền dạy hát sắc bùa Phú Lễ cho thế hệ trẻ
Truyền dạy hát sắc bùa Phú Lễ cho thế hệ trẻ

Hát sắc bùa Phú Lễ là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo dần được khôi phục ở Bến Tre sau thời gian bị mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN