Hải Dương có thêm 2 bảo vật quốc gia

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.

Cũng dịp này, tại Quyết định 2496/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thêm 2 hiện vật của Hải Dương là bảo vật quốc gia gồm: bia Thanh Mai Viên Thông pháp bi tại chùa Thanh Mai (niên đại năm 1362, đời vua Trần Dụ Tông, hiện lưu giữ tại xã Hoàng Hoa Thám, Thị xã Chí Linh) và cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ (niên đại năm 1692, đời vua Lê Hy Tông, hiện lưu giữ tại xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà).

Theo những tư liệu lưu giữ tại Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hải Dương, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương có nhiều vẻ đẹp, giá trị độc đáo. Quần thể này gồm các điểm di tích, hang động: Đền Cao An Phụ (Đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo), khu di tích và hang động xã Phạm Mệnh (động Kính Chủ, chùa Dương Nham) và khu di tích và hang động xã Duy Tân (chùa Nhẫm Dương và hệ thống hang động núi Nhẫm Dương).

Những bức tượng Bồ Tát bằng đồng ngự trên đài sen trên tòa "Cửu phẩm liên hoa" trong chùa Giám.

Đền An Phụ thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là nơi ghi lại nhiều kỳ tích lịch sử vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Động Kính Chủ (hay còn gọi là Động Dương Nham) nằm trên dãy núi An Phụ. Kính Chủ được xếp vào hàng “Nam Thiên đệ Lục Động” đẹp vào hạng thứ 6 của trời Nam. Nơi đây lưu giữ hệ thống văn bia trên vách động mà tác giả từ vua chúa, quan lại, nhân sĩ cho đến sư sãi và dân gian thực hiện trong những hoàn cảnh rất khác nhau, tựa như một bảo tàng về văn bia suốt sáu thế kỷ, từ cuối triều Trần cho đến cuối triều Nguyễn.

Trong động là chùa Kính Chủ thờ Phật theo thiền phái Đại thừa và thờ Minh Không Thiền sư Lý Thần Tông, Huyền Quang Tôn Giả và nhiều tượng phật trong kinh phật tạc bằng đá. Động Kính Chủ được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1962. Hơn 40 tấm bia trên vách động được khắc từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20 lưu bút tích của nhiều danh nhân của đất nước.

Được người xưa ca ngợi là một danh lam cổ tích, chùa Nhẫm Dương và hệ thống hang động núi Nhẫm Dương (thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn) không chỉ là nơi có cảnh sắc hữu tình mà còn có giá trị về khảo cổ học bởi các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học khẳng định sự có mặt của loài người ở đây từ hàng vạn năm về trước. Chùa Nhẫm Dương được ghi nhận là chốn tổ của thiền phái Tào Động, do vị Sư Tổ Thủy Nguyệt đứng đầu. Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực này từng là nơi trú quân của nhiều đơn vị bộ đội và du kích.

Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” có kích thước: cao 131cm, rộng 82cm, dày 14 cm đặt trên lưng r ùa đá dài 165cm, rộng 103cm, cao 30 cm. Bia là nguồn sử liệu quý nghiên cứu về hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm, cho biết sự phát triển của Phật giáo thời Trần. Về phương diện thư pháp, bia có giá trị nghệ thuật thư pháp độc đáo, ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Trần với những nét chữ khắc trên bia mềm mại, thần thái sống động.

Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ có t ổng chiều cao của Tháp là 665cm, chiều ngang 1 cạnh lục giác của tầng 1 là 120cm x 6 cạnh, chiều ngang 1 cạnh của các tầng trên giảm dần với các kích thước: 118cm, 115cm, 113cm, 110cm (x 6 cạnh), chiều cao mỗi tầng: 56cm.


Đây là công trình có phong cách kiến trúc riêng và là công trình kiến trúc duy nhất có niên đại tuyệt đối và có thông tin rõ ràng về người đứng ra hưng công xây dựng, thể hiện rõ qua nội dung bia “Kiến khai Cửu Phẩm Liên Hoa bi ký” tại chùa. Cửu Phẩm Liên Hoa đã được nhiều người biết đến không chỉ là một cối kinh Phật cứu nhân độ thế mà còn được coi là một tác phẩm nghệ thuật chứng minh cho thành tựu về nghệ thuật kiến trúc dân gian đạt đến trình độ hoàn hảo.

Cùng với cửu phẩm liên hoa chùa Giám (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), cửu phẩm liên hoa chủa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ là một trong ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền trong các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay .

Như vậy, đến nay, Hải Dương có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc (Thị xã Chí Linh), quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn); 5 bảo vật quốc gia: Trống đồng Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn, hiện tại đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương; Bia "Thanh Hư Động" có niên đại: Niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377) thời Trần Duệ Tông, hiện lưu giữ tại di tích chùa Côn Sơn, phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh; Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng).

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Căn cứ Cái Ngang (Vĩnh Long) trở thành di tích quốc gia
Căn cứ Cái Ngang (Vĩnh Long) trở thành di tích quốc gia

Ngày 27/12, Căn cứ Cái Ngang (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chính thức đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN