Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022), ngày 26/4, thị xã Sơn Tây phối hợp cùng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhằm gìn giữ, phát huy văn hóa xứ Đoài nói chung, Thành cổ Sơn Tây nói riêng.
Khơi dòng văn hóa xứ Đoài
Xứ Đoài là một danh xưng chỉ một không gian tương đối rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Đây cũng là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu. Xứ Đoài còn là vùng đất văn vật với nhiều hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Khuất Duy Tiến… Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh, được khắc tên trên bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ cho thấy, xứ Đoài là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Nét đặc sắc của văn hóa xứ Đoài còn thể hiện ở hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội đền Và (Đông Cung), một lễ hội linh thiêng tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô - Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long - Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời có nhiều nét đặc sắc riêng, là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần tiếp tục đi vào chiều sâu.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, việc cần làm ngay là tập trung xây dựng điểm nhấn vào thị xã Sơn Tây, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, trong đó, ba di sản nên được quan tâm trước tiên gồm: Tòa Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, lễ hội đền Và.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, xứ Đoài chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa Hà Nội, dần hình thành vùng văn hóa nông thôn trong lòng đô thị, tuy có sự thay đổi về cơ sở vật chất nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của Sơn Tây - Hà Nội. Vì vậy, cần có tư duy, tầm nhìn và phương thức giữ gìn lối sống của người dân xứ Đoài như là những tiểu vùng văn hóa trong vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề cập nhiều vấn đề trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài như: Bảo tồn các lễ hội; một số giá trị tiêu biểu tín ngưỡng, tôn giáo xứ Đoài; di sản xứ Đoài trong kết nối không gian văn hóa và cảnh quan kiến trúc; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng xứ Đoài...
Gìn giữ Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử văn hóa xứ Đoài
Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Đây là tòa thành thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn về hình dáng, quy mô và có khả năng phục hồi tốt nhất ở nước ta.
Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn Thành cổ Sơn Tây dù đạt được kết quả tốt song cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để Thành cổ Sơn Tây đủ điều kiện trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đại diện tiêu biểu cho loại hình thành lũy thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn - bảo tàng, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa, đại diện chính quyền, ban, ngành địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thành cổ Sơn Tây.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kiến nghị thị xã Sơn Tây cần chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có (các dinh thự, võ miếu, trại lính, kho vũ khí…), để Thành cổ Sơn Tây trở thành mô hình của trấn, thành thời nhà Nguyễn, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.
Bên cạnh đó, thị xã cần tìm hiểu, sưu tầm bổ sung thông tin về một số sự kiện nổi bật diễn ra tại đây từ thời nhà Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ Việt Nam đã giành được độc lập. Nếu làm được điều này, giá trị của di tích sẽ được nâng lên đáng kể, xứng tầm với vai trò của di tích trong lịch sử.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội khẳng định, ngoài Kinh thành Huế, Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn Thành cổ Sơn Tây đã đạt được những thành tựu rất khả quan nhưng thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo một cách bài bản hơn nữa.
Hơn thế nữa, Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như: Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía..., là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây tiếp thu những ký kiến đóng góp, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài và di tích Thành cổ Sơn Tây nhằm góp phần tôn vinh, tạo nền tảng, động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của thị xã, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.