Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN |
Đi cùng với niềm tự hào, trách nhiệm đặt ra đối với Hà Nội cũng rất lớn. Những năm qua, Hà Nội đã làm “tròn vai” trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới nhưng khó khăn còn lại cũng không ít.
Thực hiện nghiêm các cam kết
Bắt đầu từ năm 2009, nghệ thuật ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hà Nội cùng với 14 tỉnh, thành phố khác là những địa phương đang nắm giữ di sản này, nhưng thực tế Hà Nội vẫn được coi là nơi ca trù phát triển mạnh mẽ nhất.
Với vị thế đó, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị ca trù như: Tổ chức liên hoan ca trù, xuất bản sách nghiên cứu về ca trù, kiểm kê di sản văn hóa hát ca trù tại một số huyện, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động của các câu lạc bộ ca trù, dựng lại một số bài hát cổ bị mai một…
Năm 2010, một loạt di sản của Hà Nội được UNESCO công nhận di sản thế giới như: 82 bia đá tiến sĩ thời Lê - Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn. Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong đó, trò diễn kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) của Hà Nội được lựa chọn trong hồ sơ trình UNESCO công nhận. Trước những vinh dự đó, Hà Nội luôn dành sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy những di sản được UNESCO công nhận, vừa để các di sản “sống” lâu bền, vừa để lan tỏa các giá trị quý.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, để bảo vệ hệ thống 82 bia đá tiến sĩ, trung tâm đã tạo hàng rào mềm ngăn không cho khách xoa đầu rùa và bia đá, hoàn thành tu bổ nhà che bia, hiện đang hệ thống hóa tư liệu về các bài văn bia, sắp tới sẽ làm sạch bụi, nấm mốc trên các bia đá…
Hàng năm, lượng khách đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất lớn, khoảng 1,5 triệu lượt người và đều quan tâm tìm hiểu hệ thống bia đá tiến sĩ.
Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó ban quản lý di tích xã Phù Đổng bày tỏ, ông cũng như người dân trong xã tự hào khi Hội Gióng được công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng từ đó, chính quyền xã và bà con đều ý thức hơn trong việc tổ chức, thực hành lễ hội theo đúng nghi thức truyền thống.
Hàng năm, ông Đinh Minh Tỉnh còn giới thiệu về hội Gióng, về nghệ thuật quân sự trong đánh giặc của cha ông thông qua diễn xướng hội trận của hội Gióng cho hàng trăm sinh viên các trường đại học, rồi giới thiệu về di tích đền Phù Đổng và hội Gióng cho khách tham quan.
Đánh giá về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận tại Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ các di sản được UNESCO công nhận. Dù di sản đó nằm trên địa bàn Hà Nội hay di sản liên địa phương, di sản đa quốc gia thì Hà Nội vẫn bảo tồn và phát huy giá trị theo tinh thần trách nhiệm cao.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Với những di sản liên địa phương hay đa quốc gia thì cần thiết có những chương trình hành động chung để bảo vệ di sản nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một chương trình hành động như vậy. Nếu việc xây dựng chương trình hành động bảo vệ di sản kéo co gặp bất cập do cùng lúc liên quan đến nhiều quốc gia thì chương trình hành động bảo vệ di sản ca trù sẽ thuận lợi hơn vì di sản này đều thuộc Việt Nam.
Cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm chung sẽ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng bảy năm qua vẫn chưa có chương trình hành động chung của toàn quốc. Trong số 15 tỉnh, thành phố có di sản ca trù thì mới có Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo vệ khẩn cấp hát ca trù trình UBND thành phố.
Nghi lễ rước Ngựa Thánh Gióng tại Lễ hội Gióng. Ảnh: Quý Trung/TTXVNN |
Hơn nữa, với di sản ca trù thì sức sống của loại hình nghệ thuật này hiện vẫn ở mức duy trì và có nguy cơ mai một cao. Các nghệ nhân giỏi nghề đàn hát còn lại rất ít và cũng cao tuổi, sức khỏe yếu. Trên thực tế, hát ca trù đang chịu sức ép của âm nhạc hiện đại, ít người quan tâm, ít người có khả năng học và theo nghề hát ca trù.
Ngay cả so với loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: Rối nước, chầu văn, chèo… thì ca trù kén người nghe, người hát hơn. Học nghề đã khó khăn, các ca nương, kép đàn có môi trường rèn luyện để nâng cao trình độ và có thể sống được bằng nghề cũng là điều mọi người đang trăn trở.
Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội bộc bạch: “Vì yêu nghề nên phải gắn bó với nghề, lao tâm khổ tứ với nghề. Nhiều đêm diễn chỉ có vài khách nhưng chúng tôi vẫn phải biểu diễn, vẫn phải đỏ đèn chờ khách tới”.
Đối với di sản Hoàng thành Thăng Long, hiện vẫn chưa nhất thể hóa công tác quản lý, cả về địa giới và hiện vật. Đối với diện tích đất của Nhà khách Bộ Quốc phòng và của một hộ dân nằm trong diện phải bàn giao lại cho Hà Nội để bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long, cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Một mặt, sau 13 năm khai quật khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội vẫn chưa tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, khiến công tác nghiên cứu, quản lý và bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, dù các cơ quan quản lý đã có những cố gắng trong công tác bảo tồn song việc phát huy giá trị các di sản cũng còn không ít khó khăn. Ngoài nguồn kinh phí hạn chế thì phương pháp phát huy giá trị di sản cũng đang cần sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.