Gìn giữ giá trị văn hóa của Phiên chợ Âm dương

Ngày 23/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Bắc Ninh phối hợp với Viện Sử học, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Phiên chợ Âm dương - Giá trị lịch sử văn hóa.

Chú thích ảnh
 Toàn cảnh Hội thảo khoa học. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết, theo truyền ngôn từ gần hai nghìn năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt, đó là Phiên chợ Âm dương - nơi người ở dương gian và người dưới âm phủ gặp nhau vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng hàng năm. Sau các hoạt động gặp gỡ, mua bán giữa hai thế giới âm dương là phần giao duyên của thế giới người trần bằng hình thức hát quan họ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lễ hội không còn tổ chức và chỉ còn lại trong trí nhớ của người dân.

Chú thích ảnh
 PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Hội thảo khoa học Phiên chợ Âm Dương - Giá trị lịch sử văn hóa xoay quanh 3 nội dung gồm những vấn đề chung và lễ hội Âm dương trong lịch sử; Lễ hội Âm dương làng Ó và vấn đề khôi phục lễ hội Âm dương. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng dân gian ở nhiều địa phương, có nhiều yếu tố, nội dung liên quan đến Phiên chợ Âm dương, một số cứ liệu dân gian, tài liệu lịch sử liên quan đến Phiên chợ Âm dương đã và đang tổ chức ở một số địa phương trên phạm vi cả nước; đồng thời, tìm hiểu về giá trị văn hoá truyền thống làng Xuân Ổ phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh trong đó giá trị văn hóa đặc thù chính vẫn là Phiên chợ Âm dương và lễ hội làng Xuân Ổ. Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận về nội dung khôi phục lại Phiên chợ Âm duơng và tổ chức lễ hội truyền thống, các vấn đề xung quanh việc xây dựng kịch bản khôi phục lễ hội...

Chia sẻ về ý nghĩa Phiên chợ Âm dương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết Phiên chợ Âm dương của làng Xuân Ổ không phải là một hiện tượng cá biệt mà là một hiện tượng văn hóa tương đối phổ biến ở làng xã Việt Nam mang ý nghĩa văn hóa phong tục, thể hiện ký ức lịch sử, đời sống tâm linh của người dân được tích lũy qua hàng nghìn năm. Đây là phiên chợ thể hiện tình cảm tri ân với các bậc tiền nhân trong trong công cuộc giữ nước, thể hiện tâm lý cầu may, cầu mùa vào thời khắc năm mới, khát khao giao hòa tình cảm với cộng đồng trong hiện tại, quá khứ.

Chú thích ảnh
GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng việc phục dựng lễ hội làng Xuân Ổ là để phục hồi lại một lễ hội văn hóa vừa mang tính tâm linh vừa thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc ta. Do lễ hội đã không được tổ chức từ rất lâu nên những người chứng kiến nó không còn hoặc còn thì trí nhớ phần nào bị mai một, vì vậy cần nghiên cứu để phục dựng lại bằng kịch bản cụ thể. Theo đó, Giáo sư đề nghị cần nghiên cứu tư liệu, không gian lễ hội, phục dựng các nghi lễ, phục dựng phần chợ Âm dương, xây dựng phần hội trong lễ hội.

Giáo sư cũng khẳng định do lễ hội đã mất từ lâu nên điều kiện về tư liệu và khó khăn khác có thể chưa cho phép phục dựng được mọi chi tiết ngay trong những năm tới. Vì vậy, vấn đề đặt ra khu phục dựng lại lễ hội cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm năm này cho năm sau để có lễ hội hoàn chỉnh, phù hợp với lễ hội vừa mang tính truyền thống, vừa mang hơi thở của thời đại hôm nay.

Nói về không gian chợ Âm dương, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Mạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc phục dựng chợ nên gắn với nghiên cứu khôi phục các hoạt động như hội chợ, vào đám, rước kiệu, hát quan họ theo truyền thống và tục lệ trước đây của địa phương. Việc thiết kế không gian phục dựng phiên chợ phù hợp với không gian cảnh quan ở khu vực gắn với quy hoạch chung đô thị cũng như hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đình, đền chùa của địa phương. Đồng thời, không gian chợ cần đưa một số yếu tố họa động kinh tế, văn hóa mới gắn với không gian sinh hoạt văn hóa chợ Âm dương như tổ chức không gian kinh doanh gồm các hoạt động mua sắm, ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật…

Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.

Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và đốt vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm dương. Chợ họp trên bãi đất trước là chiến trường. Đến nay, chợ Âm dương không còn được duy trì, nhưng ký ức về phiên chợ này vẫn còn tồn tại trong tâm trí của những người dân nơi đây.

Thái Hùng (TTXVN)
Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 39 ở Quảng Nam
Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 39 ở Quảng Nam

Sau một năm bị gián đoạn không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, từ ngày 1 - 3/4, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 39 năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN