Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ai Cập Emad Hasan, đại diện cấp cao Hiệp hội Du lịch Lữ hành Ai Cập Mohamed Farouk, cùng đông đảo quan chức và đại diện các công ty du lịch Ai Cập và quốc tế có nhu cầu tìm hiểu tiềm năng thị trường du lịch Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Trần Thành Công cho biết Việt Nam và Ai Cập đều là những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế, khi cả hai nước đều đón trung bình trên 10 triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng du khách Việt Nam sang Ai Cập và ở chiều ngược lại vẫn còn “khiêm tốn”. Theo số liệu thống kê, chỉ có khoảng 900 du khách Ai Cập thăm Việt Nam năm 2018, trong khi Ai Cập đón tương ứng khoảng 1.300 khách du lịch Việt Nam. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng du lịch song phương, khi cả hai nước đều sở hữu những nguồn du lịch phong phú, tầng lớp trung lưu lớn, cũng như khối lượng trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng nhanh.
Đại sứ Trần Thành Công cho biết hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường thông tin về hợp tác du lịch, cũng như giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam tới bạn bè Ai Cập. Việt Nam sở hữu nhiều hình thái du lịch hấp dẫn được các du khách quốc tế rất quan tâm, song việc thiếu hiểu biết về du lịch hai nước khiến tiềm năng hợp tác du lịch hai nước chưa phát huy được thế mạnh và tương xứng với quan hệ song phương. Trong những năm tới, phía Ai Cập cũng đang nỗ lực hoàn thiện những cơ sở du lịch tốt nhất của mình và hy vọng rằng khách du lịch quốc tế cũng như Việt Nam sẽ tới thăm Ai Cập nhiều hơn.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ai Cập Emad Hasan nhận định ngành du lịch Việt Nam và Ai Cập cần chú trọng một số lĩnh vực quan trọng để có thể tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, trong đó có hợp tác về cấu trúc phát triển du lịch, thể chế và quy định, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và tăng cường hợp tác quảng bá du lịch trên truyền thông xã hội. Theo ông Hasan, quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập đang chứng kiến giai đoạn phát triển tốt đẹp và hai nước cần tận dụng mối quan hệ tốt đẹp đó để thúc đẩy hợp tác kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường cũng đã chỉ ra một số khó khăn đối với hợp tác du lịch Việt Nam - Ai Cập. Theo ông Phạm Thế Cường, khoảng cách về địa lý, trong khi chưa có đường bay thẳng là thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch hai nước. Bên cạnh đó, hai nước còn chưa có nhiều chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch của nhau. Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Thế Cường cho rằng Việt Nam và Ai Cập cần tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa ngành du lịch hai nước, đa dạng hóa các loại hình du lịch, đồng thời tăng cường kết nối giữa các hiệp hội du lịch lữ hành Việt Nam - Ai Cập.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về những khuyến nghị giúp cải thiện hợp tác du lịch song phương, đại diện cấp cao Hiệp hội Du lịch Lữ hành Ai Cập Mohamed Farouk cho rằng ngành du lịch Ai Cập và Việt Nam đều chia sẻ những tiềm năng và thế mạnh tương đồng, đặc biệt là chi phí du lịch Việt Nam cũng như Ai Cập đều rất phải chăng. Tuy nhiên, hai nước cần giải quyết được những thách thức về đi lại bằng đường hàng không, trong đó cần tính tới khả năng mở đường bay thẳng Việt Nam - Ai Cập, cũng như tăng cường tần suất các chuyến bay nhằm tạo thuận lợi cho du khách hai nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng đã có phiên thảo luận trực tiếp, nhằm giải đáp những băn khoăn của các công ty du lịch lữ hành Ai Cập và quốc tế, với mong muốn những kết quả thực chất tại hội thảo này sẽ tạo ra nhiều cơ hội và góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam và Ai Cập phát triển hơn nữa.