Giải đua năm nay có 40 đội ghe Ngo nam và 6 đội ghe Ngo nữ của các đội của các chùa Khmer tại Sóc Trăng và các địa phương: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ với trên 4.000 vận động viên tham gia tranh tài các nội dung đua 1.200 m (đua nam) và 1.000 m (đua nữ).
Kết quả, ở nội dung đua ghe Ngo nam, giải Nhất thuộc về đội ghe chùa Tum Núp huyện Châu Thành, giải Nhì là đội Noren Rang Say (huyện Thạnh Trị), giải Ba thuộc về đội chùa Sro Lôn 1 (huyện Mỹ Xuyên) với giải thưởng tương ứng cho các giải Nhất, Nhì, Ba là 200 triệu đồng, 150 triệu đồng và 100 triệu đồng. Ở nội dung đua ghe Ngo nữ, giải Nhất thuộc về đội Tum Núp huyện Châu Thành, giải Nhì là đội Ô Chum (thị xã Ngã Năm), giải Ba thuộc về đội Kus Thum (tỉnh Bạc Liêu) với giải thưởng tương ứng là 150 triệu đồng, 100 triệu đồng và 80 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đội tham gia sẽ được Ban Tổ chức hỗ trợ 30 triệu đồng (cao hơn 10 triệu so với giải năm trước).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, Giải đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, là hoạt động đặc sắc nhất của Lễ hội Oóc Om Bóc. Đây cũng là niềm tự hào về văn hóa của tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2022. Giải đã thu hút trên 135.000 lượt khách đến tham quan các hoạt động của lễ hội; qua đó, giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc khẳng định, tỉnh luôn quan tâm phát huy giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Khmer với những nét đẹp về phong tục, tập quán của đồng bào; đồng thời, phát suy sức mạnh đoàn kết của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong xây dựng và phát triển quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.