Từ những câu chuyện tình cờ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chủ biên công trình sách “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt” chia sẻ: Khi nghiên cứu về văn hóa Chăm, hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu đều để ý những truyền thuyết hoặc các tư liệu, hiện vật tại bảo tàng, trong các cuốn sách. Tuy nhiên có một hệ thống di sản văn hóa Chăm trong các đền, miếu mà rất ít người biết đến. Ở đó có sự tiếp biến văn hóa của người Việt trong quá trình di chuyển về phương Nam.
Theo ông Thông, công trình này bắt nguồn từ một sự tình cờ. Trong chương trình nghiên cứu về dấu tích của làng xã từ Quảng Bình vào tới Nam Trung Bộ, các cán bộ nghiên cứu của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phát hiện có những chùa miếu, tượng thờ và những câu chuyện rất lạ. Suốt một thời gian dài, trải qua bao thiên tai, địch họa những hiện vật, câu chuyện được ghi nhận từ nhiều ngôi miếu, chùa cụ thể vẫn tồn tại. Tiếp cận với những dấu tích đó, nhất là khi được biết, mở ra những trang phục khoác lên các tượng thờ, những hiện vật gốc Chăm dần dần được phát lộ.
Từ đó, cán bộ Phân viện nhận ra rằng lâu nay mình mới tiếp cận văn hóa Chăm về mặt lý thuyết. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đã đặt ra vấn đề là trên một địa bàn của vương quốc Chăm pa xưa có rất nhiều tộc người. Những tộc người đó tuy không còn nhưng đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất độc đáo, khác với người Việt. Khi người Việt vào, họ có cách tiếp cận, ứng xử và chuyển hóa như thế nào để biến những câu chuyện, vị thần rất xa lạ thành những cơ sở về tín ngưỡng, tâm linh của người Việt, mang màu sắc Việt.
Lần ngược lại quá khứ, các cán bộ nghiên cứu phát hiện có những hình tượng mà ban đầu người Việt ở thôn quê phác họa thành Bà Quan âm rất đẹp nhưng khi được bóc tách, hình tượng đó chính là sự chuyển thể của vị thần bản địa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, trong quá trình đi về phương Nam, người Việt tiếp cận văn hóa Chăm một cách từ tốn, nhân văn, nhân bản. Điểm thú vị là họ tiếp nhận Hindu giáo như tôn giáo chính của người Chăm. Điều này lý giải cho việc những pho tượng Lồi (tượng Hời – những cách gọi của tượng Chăm) tiếp tục được họ gìn giữ, lập miếu thờ. Tuy nhiên khi trở thành biểu tượng được thờ cúng, những bức tượng đã được thay đổi giới tính, tư thế, sắc phục, nhân chủng.
Kể những câu chuyện Chúa Nguyễn xây dựng một loạt hình tượng nữ thần gắn với nhiều truyền thuyết ủng hộ ông làm vương ở đất phương Nam; triều đình nhà Nguyễn ở phương Nam sử dụng, biến các tượng phật Chăm thành các vị Bồ tát, Quan Thế âm trong Phật giáo, biến bà mẹ xứ sở người Chăm (Bà Ponaga) thành bà mẹ xứ sở của người Việt ở phương Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng đó là sự khôn ngoan của Chúa Nguyễn, triều đình Nhà Nguyễn để ổn định dân tình ở vùng đất mới.
Giống như nhiều nhà nghiên cứu khác cùng thực hiện công trình, ông Thông ghi nhận tất cả những điều sửa chữa đó làm giảm giá trị nghệ thuật, nhưng về mặt tiếp biến văn hóa đó là một cách tiếp biến vô cùng khôn khéo, thú vị của người Việt trong quá trình đi về phương Nam. Đây cũng là những điểm tình cờ mà ông thấy thú vị trong quá trình viết sách.
Với tư cách là thành viên nhóm nghiên cứu, ông Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế lại kể câu chuyện rất “Việt Nam” mà ông tình cờ được nghe trong quá trình đi điền dã xây dựng công trình sách. Câu chuyện xoay quanh bức tượng trở thành vị thần bảo trợ của người dân của một vùng và hai làng gần nhau đã diễn ra một cuộc tranh chấp bởi làng nào cũng muốn dành tượng đó về mình. Trong đó có một làng đã tổ chức “ăn trộm” tượng.
Tuy nhiên bức tượng này rất thiêng, đã về "báo mộng" cho làng bên về việc làm này để dành lại tượng. Trong quá trình bị di chuyển, pho tượng càng ngày càng nặng khiến những “tên trộm” không khiêng tiếp được và khi người dân làng bên đuổi đến họ phải để lại tượng. Bằng nghi thức thông linh, người dân cho biết rằng Ngài thích ở chỗ ấy nên đã lập đền thờ ngay chỗ Ngài được để lại. Đó là câu chuyện về tượng Kim Sơn trở thành 1 trong 7 đầu của rắn thần Naga-một biểu tượng của đất phương Nam. Hình ảnh vị thần này được các nhà nghiên cứu chọn đưa lên đầu trang bìa cuốn sách “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”.
Đến những may mắn nhờ tôn trọng tập tục
Ở Làng Trà Trì (xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), nơi tồn tại rất nhiều yếu tố Chăm có một thùng tài liệu Hán Nôm. Làng cũng có một tục lệ đó là chỉ làm lễ mở thùng tài liệu ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm. Thùng tài liệu được giữ gìn rất cẩn thận và có 3 cụ đức cao vọng trọng trong làng làm nhiệm vụ này. Lễ mở thùng được tiến hành khi có sự hiện diện của cả 3 cụ (một cụ giữ thùng tài liệu, một cụ mở thùng, một cụ lấy tài liệu ra làm lễ).
Với những trường hợp như ở làng Trà Trì, các nhà nghiên cứu của Phân viện phải tôn trọng luật lệ của làng bởi theo họ đó là những phong tục đẹp, làm nên những nét văn hóa rất riêng của người Việt.
Song muốn tiếp cận nguồn tài liệu quý, các nhà nghiên cứu vẫn phải đặt vấn đề, thuyết phục hay năn nỉ nhiều lần (như cách nói của người Huế), thậm chí có trường hợp phải chờ người dân “xin keo” (thả 2 đồng tiền - tục lệ vẫn còn tồn tại nhiều làng quê). Khi được các vị thần chấp nhận thì họ mới được tiếp cận tài liệu.
Thực tế, cán bộ Phân viện khi đi điền dã, tiếp cận với các nguồn tư liệu đều thực hiện phương châm phi lợi nhuận; thành tâm giải mã những câu chuyện then chốt nhất trong đời sống văn hóa tâm linh. Họ cũng tuân thủ quy tắc khi về địa phương phải thể hiện rõ điều đó với những cách tiếp cận nhẹ nhàng, hữu hiệu. May mắn là việc làm này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân và nhiều khi, người dân sẵn sàng bỏ qua, hay giảm bớt các lễ tục, kiêng kị để hỗ trợ cán bộ nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Hằng, các nhà nghiên cứu cũng gặp không ít khó khăn, có khi phải chấp nhận vì tôn trọng những quy định, tập tục của địa phương. “Đến giờ, vẫn còn khá nhiều những nguồn tài liệu, mẫu vật chúng tôi chưa tiếp cận được vì lý do này nhưng nói chung phần lớn bà con rất cởi mở, trợ giúp cán bộ nghiên cứu”- ông Hằng chia sẻ.
Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ thêm: Đội ngũ nghiên cứu của Phân viện hầu hết còn khá trẻ nên trong công việc cũng gặp không ít khó khăn. Vượt lên tất cả, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực nhập cuộc; tìm ra được những điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc chế; gắn kết và chia sẻ những thông tin trong từng sự việc cụ thể, tạo ra những sản phẩm cụ thể. Một trong những nguyên tắc làm việc của cán bộ nghiên cứu tại Phân viện là không bao giờ được cực đoan, luôn “kính lão đắc thọ”. Nhờ vậy mà Phân viện có những người trẻ hăng say làm việc, những người lớn tuổi giàu kinh nghiệm đứng sau ủng hộ; có đủ thiện chí để nối kết, quy tụ mọi người nên mọi việc đến giờ vẫn diễn ra suôn sẻ.
Bài 2: Thành quả của những nỗ lực