Tại Nhà hát Duyệt Thị Đường trong khu vực Đại Nội Huế, sau khi thưởng thức các tiết mục biểu diễn đặc sắc của nghệ thuật Nhã nhạc Cung đình - Di sản văn hóa phi vật thể đã được tổ chức UNESCO vinh danh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và chúc mừng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói riêng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị di sản độc đáo của cha ông để lại.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Đảng xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, định hướng để đất nước ta tiếp tục phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, nhằm xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền niềm tự hào về văn hóa Huế, về những di sản vật thể và phi vật thể đang có để cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa cũng như lớp nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên kế cận, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác trùng tu di tích, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc số hóa, lưu giữ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, qua đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, phấn đấu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Địa phương không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đơn thuần mà cần biến văn hóa trở thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đến nay di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Thừa Thiên - Huế tự hào có 5 di sản được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, bao gồm Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Trong gần 30 năm qua, có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Huế triển khai Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, theo đó có hàng ngàn hộ dân sinh sống trên đất di tích đã và sẽ được di dời đến nơi ở mới, góp phần lấy lại diện mạo của Cố đô xưa…