Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, người có công, thân nhân người có công và các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa đã dự buổi lễ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, tỉnh có trên 72.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh, trong đó có trên 16.400 liệt sỹ, trên 4.800 thương binh bệnh binh, 18 Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 2.200 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; khoảng 21.000 người hoạt động kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế,… cùng hàng chục ngàn người hoạt động kháng chiến, tham gia cách mạng hoặc có công giúp đỡ cách mạng.
Vĩnh Long luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách với thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.100 căn nhà cho người có công; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời. 100% gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu hàng tháng… Các hoạt động hỗ trợ đã góp phần giúp 100% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận, tri ân sâu sắc những hy sinh, cống hiến to lớn của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công tỉnh Vĩnh Long; biểu dương ỗ lực, kết quả đạt được của tỉnh trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa thời gian qua. Đến năm 2019, tỉnh đã cơ bản giải quyết dứt điểm hồ sơ liệt sỹ tồn đọng; 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời. Vĩnh Long cơ bản hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công; hỗ trợ sinh kế, giúp gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống, đảm bảo từ bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", trách nhiệm và nghĩa tình, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú, theo kịp sự phát triển chung của đất nước. Các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục nâng mức trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách với người có công, bảo đảm chế độ ưu đãi phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội...
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy kết quả, có thêm nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa trong công tác người có công ở giai đoạn mới; chăm lo sức khỏe, đời sống, việc làm, thu nhập đồng thời quan tâm việc học hành, bồi dưỡng, đào tạo con em người có công để kế tục truyền thống cách mạng gia đình, trở thành nguồn nhân lực nòng cốt xây dựng quê hương, đất nước. Tỉnh cần tiếp tục thực hiện việc quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ, tu bổ, sửa sang các nghĩa trang liệt sỹ khang trang, ấm cúng...
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa, trị giá 500 triệu đồng cho các gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở; trao tặng 200 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của tỉnh Vĩnh Long.Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen 13 tập thể và 57 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chuyên đề về chế độ, chính sách người có công với cách mạng và phong trào Đền ơn đáp nghĩa giai đoạn 2017-2022.