Mái ấm tình thương
Buổi sáng trên khoảng sân lộng gió của Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế rôm rả tiếng cười và những câu chuyện của các bà, các cụ bàn tán về bữa ăn, chia sẻ câu chuyện gia đình và hoài niệm về chiến trường năm xưa.
Bà Hoàng Thị Kiều (75 tuổi, quê xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) ngồi kể cho những “người bạn” tại Trung tâm nghe về truyền thống cách mạng của gia đình. Bà tự hào nhắc lại, từ cha đến các anh chị của bà đều tham gia cách mạng từ sớm. Chính bà cũng nuôi giấu bộ đội từ thuở mới là thanh thiếu niên rồi không may bị bắt, tra tấn, đánh đập nhiều lần.
Chiến tranh qua đi, để lại di chứng trên đôi chân già yếu của bà. Ở tuổi “gần đất xa trời”, bà Kiều không chỉ chịu nỗi đau bệnh tật mà còn kém phần may mắn khi không có người thân nương tựa. Gần 20 năm về trước, bà quyết định vào ở tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Thừa Thiên – Huế. Trong chừng ấy thời gian gắn bó, bà Kiều đã xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai và mọi người là người thân, ruột thịt. Được ăn ngon, điều độ; chăm sóc tận tình, tham gia các hoạt động sinh hoạt vui vẻ, bà Kiều sống lạc quan hơn.
Dù đã 97 tuổi nhưng bà Trương Thị Quy sống tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn minh mẫn và nói chuyện rất rõ ràng. Theo những lời kể rành rọt của bà Quy, bà cũng từng nuôi giấu bộ đội và làm nữ du kích trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau khi hòa bình lập lại, người thân dần rời xa, bà phải sống neo đơn một mình.
Thay vì ở nhà, bà Quy cũng lựa chọn đến Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công để an hưởng tuổi già và làm bạn với những người khác. Ở đây, bà được ăn uống đầy đủ và chăm sóc chu đáo.
Bà Kiều và bà Quy chỉ là hai trong số 15 thương binh, người có công neo đơn đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Thừa Thiên – Huế. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai, mái ấm đặc biệt giúp họ vơi đi nỗi buồn thiếu vắng người thân.
Để phục vụ tốt hơn đời sống vật chất cho các thương binh, thời gian qua, Trung tâm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ mua sắm và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, xanh đẹp. Khu nhà ở của các thương binh thường xuyên được bố trí phòng ốc gọn gàng và trang bị đầy đủ các thiết bị như: ti vi, quạt, máy nóng lạnh... Nhờ đó, cuộc sống của các cụ, các bà khá thoải mái, tiện nghi. Đặc biệt, khu phục hồi chức năng với nhiều máy móc hiện đại như: ghế massage tự động, máy châm cứu… để chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng các đối tượng có công sinh sống, đến nghỉ dưỡng tại nơi đây.
Dành trọn tấm lòng
Tháng 7 - Tháng của sự tri ân, khiến công việc của chị Trần Thị Nga (nhân viên y tế tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế) thêm bận rộn, tất bật hơn mọi ngày. Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm, tình cảm chị dành cho các cụ, các bà neo đơn đã vun đắp đủ lớn, để khiến chị có thể thân thương gọi họ là “mẹ”, là “bố”.
Công việc mỗi ngày của chị Nga bắt đầu với việc tắm rửa, kiểm tra sức khỏe đến phát thuốc, trò chuyện cùng các đối tượng đang được nuôi dưỡng nơi đây. Chị Nga bộc bạch, hầu hết các bố mẹ đều đã tuổi già sức yếu, sống neo đơn. Nhiều mẹ hay tủi lòng vì không có người thân bên cạnh. Vì thế, để các bố, mẹ an tâm vui sống tại đây là điều không dễ dàng.
Chị Nga và các đồng nghiệp luôn phải cố gắng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng chăm sóc; đặc biệt là thường xuyên lắng nghe, trò chuyện để các bố mẹ cảm nhận được sự yêu thương và xem Trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình.
Những năm vừa qua, khi cả nước căng mình chống dịch, các nhân viên y tế như chị Nga lại càng lo lắng hơn cho sức khỏe của các cụ, các mẹ. Hầu hết mọi người đã trên 80 tuổi, ai cũng có bệnh nền. Do đó, hơn hai năm qua là thời gian hết sức khó khăn của toàn thể đội ngũ nhân viên y tế Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Chị Trần Thị Nga tâm sự: Dù khó khăn, chị vẫn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại. Bởi khi làm việc, chị thấy vinh dự và trân quý những phút giây bên cạnh các bố mẹ; được chăm sóc họ trong chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Hy vọng những việc làm nhỏ bé của chị sẽ phần nào bù đắp được nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Hữu Nghi chia sẻ, tập thể 35 cán bộ, nhân viên đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “Đền ơn, đáp nghĩa” và hết mình vì công việc. Mọi người không chỉ xem đây là nhiệm vụ mà còn dành trọn tấm lòng cho các cụ, các mẹ. Mục đích cuối cùng là để họ được sống vui khỏe, ấm lòng khi không có người thân bên cạnh.
Ngoài nuôi dưỡng thường xuyên đối tượng có công neo đơn, hàng năm, Trung tâm còn đón khoảng 1.500 thân nhân, người có công đến điều dưỡng, phục hồi sức khỏe luân phiên. Trong thời gian điều dưỡng tại đây, họ được chăm sóc toàn diện cả về sức khỏe vật chất lẫn đời sống tinh thần. Có những điều tưởng chừng nhỏ bé như trang bị vật dụng cá nhân; chuẩn bị món ăn theo sở thích, phù hợp tình trạng sức khỏe… đều được các nhân viên Trung tâm quan tâm chu đáo, tận tình đối với từng người.
Cuộc sống của những người có công neo đơn tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên – Huế tuy bình dị nhưng ấm áp, thấm đẫm tình người. Dù những vết thương chiến tranh sẽ rất lâu mới khép miệng nhưng với sự trân quý của các nhân viên y tế, nỗi đau của họ đã phần nào được làm dịu đi. Nghĩa tình đó sẽ tiếp tục được các nhân viên Trung tâm nối dài theo năm tháng.