Sau dịch COVID- 19, đời sống của phần lớn người dân bị ảnh hưởng, trong đó có các gia đình chính sách. Bằng nhiều sự chăm lo, nỗ lực, các cấp các ngành đã bảo đảm mức sống của người có công (NCC) với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Cùng với đó, chính những thương binh và người thân của họ, cũng nỗ lực vươn lên, đảm bảo cuộc sống, để thực hiện lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế".
Những người có công bị ảnh hưởng nhiều sau dịch COVID-19 là những gia đình thương binh nặng. Cùng với thời gian, tuổi tác và những thương tật trong chiến tranh khiến họ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ hơn trước. Điều chúng tôi cảm phục về sự nghị lực của các thương binh vượt qua bệnh tật là sự giúp đỡ, hy sinh thầm lặng của những người vợ ngày đêm chăm sóc.
Về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) dịp này, chúng tôi gặp ông Võ Văn Thắng, thương binh hạng 1/4, là người nhiều năm sống tại trung tâm cùng với gia đình. Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thắng bị thương tật nặng ở chân và nhiều vết thương trên cơ thể. Ông Thắng được đơn vị đưa ra miền Bắc điều trị và ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành từ năm 1976. Trong thời gian điều trị, ông Võ Văn Thắng quen và thành gia thất với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mai của Trung tâm.
Bà Mai chia sẻ: "Lúc biết tôi lấy thương binh nặng, cả gia đình phản đối vì sợ tôi vất vả. Nhưngvượt lên mọi ý kiến, chúng tôi đã nên duyên vợ chồng. Thời điểm đó, cuộc sống gia đình chúng tôi còn nhiều thiếu thốn, do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ còn nhiều gian khó".
Lấy nhau, 2 vợ chồng ở một căn nhà cấp 4 chật hẹp. Trải qua vài lần thay đổi chỗ ở, hiện vợ chồng ông Thắng được ở tại một căn hộ tại Trung tâm, rộng rãi hơn. “Các khoản trợ cấp thương bệnh binh, người nuôi dưỡng và lương hưu của cả 2 vợ chồng được khoảng 10 triệu đồng. Nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn sang bên cạnh, cuộc sống thấy ổn định hơn so với rất nhiều người. Quan trọng nhất là 3 con được học hành và có công ăn việc làm ổn định. Ở trung tâm có anh em, bạn bè cùng cảnh ngộ nên hoà đồng, vui vẻ có bạn trò chuyện lúc về già”, ông Võ Văn Thắng tâm sự.
Bà Mai tâm sự: "Với gia đình tôi, ngày 27/7 được coi là ngày lễ lớn của gia đình khi tất cả con cháu đều thu xếp quây quần. “Mong muốn lớn nhất của gia đình chúng tôi là ông Thắng được khoẻ mạnh bởi nay, theo tuổi tác, ông cũng đã phát sinh nhiều thứ bệnh tuổi già”.
Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, gia đình ông Lê Văn Tý, bệnh binh thương tật 81% ở trung tâm từ ngày đầu thành lập năm 1992, đến nay được 30 năm. Ông Tý tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sau khi bị thương thì suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Do sức khỏe yếu, ông Tý được đưa đi chăm sóc đặc biệt từ những năm 80 của thế kỷ trước. Qua thời gian, ông Tý phải cắt mất đôi chân bị hoại tử do di chứng của chiến tranh. Ngày càng có tuổi, ông Tý thêm nhiều bệnh của tuổi già, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa khiến mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người giúp đỡ. Người chăm sóc ông mấy chục năm qua là cán bộ, nhân viên Trung tâm cùng người vợ hiền của ông.
Bà Nguyễn Thị Thái (vợ bệnh binh Lê Văn Tý) nhớ lại: “Ngày đó cách đây hơn 30 năm, khi là bộ đội nghĩa vụ tại Bệnh viện Quân y 103, chứng kiến anh Tý mang trong mình vết thương rất nặng, nhưng luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tôi cảm mến, rồi thương yêu, nên duyên vợ chồng”.
Gắn bó với người chồng sức khỏe yếu, bà Nguyễn Thị Thái lựa chọn không sinh con để dành trọn thời gian, tâm sức chăm sóc chồng, nhưng bà không coi đó là sự hy sinh, mà là sự đồng cảm, thấu hiểu. “Một người anh trai của tôi hy sinh, vĩnh viễn không trở về, niềm đau khó diễn tả. Vì thế, đối với tôi, người còn sống để trở về từ chiến trường là may mắn và tôi muốn xoa dịu vết thương cho người bạn đời của mình bằng tình thân, tình yêu thương”, bà Thái chia sẻ.
Cũng là thương bình nặng hạng 1/4 nhưng ông Phan Đắc Vinh 72 tuổi ở thôn 7 xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội lại chọn dưỡng bệnh tại nhà. “Hiện tôi được các chế độ thương binh, nhiễm chất hoá học và người chăm sóc được gần 8 triệu đồng, lại có thẻ bảo hiểm y tế. Nhìn chung, cuộc sống so với mức trung bình chung tại nông thôn là ở mức trên trung bình khá. Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng chung tới toàn xã hội nhưng vẫn được chính quyền các cấp quan tâm, thăm hỏi động viên”, ông Phan Đắc Vinh chia sẻ.
Hiện người thường xuyên bên cạnh chăm sóc ông Vinh là người vợ Nguyễn Thị Hậu. Bà Hậu cho biết: “Khi biết hai người chuẩn bị nên nghĩa vợ chồng, anh em bạn bè khuyên tôi nên cân nhắc vì sẽ rất vất vả. Tuy nhiên, vừa là tình yêu nhưng cũng là tình thương với người lính đã bị thương khi tham gia chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc. Lúc đó là thanh niên, tôi cảm thấy mình cũng có trách nhiệm chăm sóc thương binh. Cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhưng được sự đùm bọc của làng xóm nên nuôi dạy 3 con khôn lớn, công việc ổn định”.
“Giờ chú Vinh có tuổi, cơ thể xuất hiện thêm các bệnh nên hiện hàng tháng ông Vinh lên Viện Tim Hà Nội và Bạch Mai khám, lấy thuốc. Con cái và gia đình cũng luân phiên chăm sóc, cũng may có bảo hiểm y tế theo chế độ người có công nên cũng đỡ rất nhiều chi phí”, bà Hậu chia sẻ.
“Điều tôi thấy hạnh phúc là con cái học hành thành đạt, dù thương binh nặng nhưng sống chung với xóm làng, anh em sớm tối tắt đèn có nhau. Điều tôi mong nhất là có sức khoẻ để vui vẻ bên con cháu”, ông Vinh tâm sự.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, ông Phan Đắc Vinh dù là thương binh nặng trong xã nhưng đợt dịch vừa qua vẫn tích cực cùng hội cựu chiến binh tham gia vận động bà con tham gia phòng chống dịch, nấu cơm, đưa cơm cho chốt gác phòng dịch và là tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”.
“Sức khoẻ” là điều mà chúng tôi cảm nhận được khi gặp gỡ các thương bệnh binh để tìm hiểu về cuộc sống của họ. Nhìn chung, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách đều ghi nhận: Mức trợ cấp, hỗ trợ đã tốt lên hơn trước rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, bên cạnh những thương binh nặng là sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, họ như là chỗ dựa vững chắc cho các thương binh khi trái nắng trở trời.
Cùng với đó là sự chăm lo của các cấp địa phương nên mức sống của nhiều gia đình chính sách được đảm bảo, từ đó, có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt cho những người đã hiến dân xương máu cho đất nước.
Cùng với sự chăm lo của Nhà nước, nhiều thương binh, bệnh binh đã vươn lên vượt khó. Trong dịp này, chúng tôi có dịp gặp thương binh năng Nguyễn Văn Tường (khu phố 4, phường Tân Phong, Biên Hoà, Dồng Nai) ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ông Nguyễn Văn Tường cho biết: “Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1979, tôi lên đường nhập ngũ khi mới 19 tuổi tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, tại mặt trận 479 – Campuchia”.
Ông Tường bị thương nặng khi dẫm phải mìn năm 1983, mất đi 1 mắt, 1 chân và 1 tay, được xếp thương tật 1/4, hưởng chế độ thương binh nặng. Trải qua nhiều bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, năm 1993, ông là người đầu tiên viết đơn xin về điều dưỡng tại nhà. Từ năm 1995, ông được tín nhiệm giữ chức Phó khu phố phụ trách an ninh cho đến nay. Suốt thời gian đó, thương binh Nguyễn Văn Tường luôn sát cánh cùng lực lượng công an và dân quân tuần tra hàng đêm góp phần giữ gìn sự ổn định cho khu phố. Sự năng động và tham gia vận động người dân trong các phong trào thi đua của ông cùng với sự nỗ lực của tập thể đã lãnh đạo khu phố hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, Chi bộ đều đạt "trong sạch vững mạnh".
Clip ông Nguyễn Văn Tường chia sẻ về năm tháng hào hùng không bao giờ quên:
“Tôi luôn quan niệm còn sức lực thì còn đóng góp cho quê hương và thực hiện đúng lời bác Hồ đã dạy: Thương binh tàn nhưng không phế. Nay 3 con đều có công việc ổn định, gia đình yên ấm là tôi thấy hạnh phúc”, ông Tường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Nở (69 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa, được nhiều người biết đến là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, tạo nhiều việc làm cho người lao động và tích cực tham gia công tác từ thiện.
Ông Nở kể: Năm 1972, ông cùng 4 người ở xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa (nay là TP Thanh Hóa), tham gia hành quân vượt dãy Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1977, xuất ngũ về quê hương thì ông biết tin 4 người bạn cùng nhập ngũ đã hy sinh...
“Vào chiến trường mới thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Được trở về là niềm hạnh phúc nên tôi tập trung phát triển kinh tế, đồng thời chia sẻ khó khăn với cộng đồng, với xã hội, nhất là gia đình cựu chiến binh, người có công với cách mạng”. Ông Nở tham gia đấu thầu ruộng trũng của địa phương và đào ao nuôi cá, nuôi vịt... để phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế dần thành công phát triển, được xã, huyện, tỉnh biết đến và trở thành điển hình sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm. Từ năm 2022, ông chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, lập doanh nghiệp tham gia các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn, tên là Công ty TNHH Hoàng Tuấn.
Khi thành lập, Công ty TNHH Hoàng Tuấn có vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng nay giá trị lên hơn 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 350 lao động, đóng góp mỗi năm 10 tỷ đồng. “Tôi luôn tâm niệm thương binh tàn nhưng không phế. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Hàng năm, Công ty TNHH Hoàng Tuấn trích lợi nhuận từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đỡ đầu nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn là con cựu chiến binh, gia đình chính sách; xây dựng nhà tình nghĩa.”, ông Nguyễn Duy Nở chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Hà Ẩn (tỉnh Bình Định), sinh năm 1954, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà từng bị địch bắt, tù đày khi mới 17 tuổi. Chỉ trong hai năm, bà phải trải qua rất nhiều nhà lao, bị địch tra tấn dã man. Đến giờ, bao thương tổn của những năm tra tấn, tù đày đó vẫn thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ nhỏ bé này. Bà cùng người chồng thương binh nuôi dạy ba người con thành đạt.
Khi nghỉ hưu, bà Ân thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và vận tải hàng hóa. Công ty góp phần giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, với doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Tích cực tham gia đóng góp các quỹ và phong trào do địa phương phát động, bà Ẩn cũng góp sức trong nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công khó khăn trong cuộc sống, các chương trình an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Về cơ bản, chính sách với người có công (NCC) đã được Bộ LĐTBXH tham mưu và trình Chính phủ, trình Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội trong những năm qua về cơ bản dần hoàn thiện, đầy đủ. Khi đại dịch COVID-19 ập đến, người có công luôn là đối tượng ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Theo đó các chính sách ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang bị cung cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng thì có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình… Người có công được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Riêng về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Theo đó chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay). Hiện nay có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
“Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021 nâng mức trợ cấp, phụ cấp với người có công và hàng năm Nhà nước chi thêm gần 900 tỷ đồng so với trước để hỗ trợ chi trả. Đơn cử như mức thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân nâng từ 500.000 đồng lên thành 1.400.000 đồng/năm; mức điều dưỡng tại gia đình 1.1 triệu đồng/năm nay được điều chỉnh trên 1,46 triệu đồng/năm; điều dưỡng tập trung trước 2,2 triệu đồng nâng lên là 2,9 triệu đồng. Các mức khác cũng được điều chỉnh nâng lên phù hợp với thực tế…. Hàng năm Chủ tịch nước ký quyết định tặng quà cho người có công dịp 27/7 và Tết Nguyên đán. Mức quà được nâng lên từ 200.000 đồng lên 300.000; mức 400.000 lên 600.000 đồng. Cùng với đó, các cấp tỉnh, thành và quận huyện đều quan tâm có quà dịp này”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang tiến hành tập huấn và về cơ sở tháo gỡ những vướng mắc còn lại và chủ động phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tháo gỡ hướng tới mục tiêu người có công với cách mạng sẽ được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, tương ứng với tổng số kinh phí cần cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng.
Cùng với đó, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Nguồn quỹ đã xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Cục Người có công đã hướng dẫn các địa phương triển khai chi trả hỗ trợ khó khăn kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng xã hội, đặc biệt là tinh thần tự vươn của người có công với cách mạng, đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6% và xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ đạt 99%.
Bài, video, trình bày: Xuân Cường - Lê Phú
Ảnh: Xuân Cường - Lê Phú - Ban Ảnh TTXVN
27/07/2022 02:08