Ngày 25/7, huyện Đan Phượng, (Hà Nội) biểu dương người có công tiêu biểu, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, huyện Đan Phượng có trên 14.000 gia đình có quân nhân và người thân tham gia bảo vệ Tổ quốc; 2.576 liệt sĩ, 1.453 thương binh, bệnh binh; 4 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 310 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, trong 5 năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước của huyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Trong đó, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công được thực hiện kịp thời, đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho 11.294 lượt người có công, số tiền gần 215 tỷ đồng. Giải quyết trợ cấp một lần và mai táng phí, truy lĩnh trợ cấp chênh lệch cho 3.132 người có công và thân nhân người có công; 7.473 lượt người đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ, với tổng số tiền số tiền trên 14,6 tỷ đồng.
Từ năm 2018 đến nay, công tác vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 4,4 tỷ đồng, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu TP, huyện giao. Trong đó, phải kể đến các địa phương đạt chỉ tiêu cao như xã: Tân lập, Tân Hội, thị trấn Phùng, Thọ Xuân, Phương Đình, Trung Châu... Các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn, các đoàn thể xã, thị trấn tặng 511 sổ tiết kiệm tình nghĩa, số tiền 774 triệu đồng; riêng năm 2022 tặng 128 số tiết kiệm tình nghĩa, số tiền 384 triệu đồng.
Xây dựng cải tạo sửa chữa nhà ở cho người có công được đặc biệt quan tâm, UBND huyện chỉ ngân sách hỗ trợ cho 201 hộ người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở, với số tiền 7,2 tỷ đồng (trong đó 160 nhà xây mới và 41 nhà sửa chữa).
Ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện ủy Đan Phượng khẳng định: Nhóm đối tượng người có công luôn được ưu tiên trong các chính sách an sinh xã hội. Việc chăm lo người có công là công việc thường xuyên, làm thực chất với những việc làm thiết thực, tránh hình thức.
Huyệnn Đan Phượng là một trong những huyện tiêu biểu về thực hiện chăm lo người có công của Hà Nội. Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội: Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 10.060 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 41,2 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho 81.748 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 910 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 60 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 26,73 tỷ đồng, đạt 115,2% kế hoạch. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230 hộ gia đình người có công, đạt 107% kế hoạch năm, với kinh phí 7,49 tỷ đồng; tặng 2.403 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 5,15 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch năm, trung bình 2,1 triệu đồng/sổ; sửa chữa, nâng cấp 65 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 59,17 tỷ đồng, đạt 86,7% kế hoạch năm...
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tập trung xây dựng và hoàn thiện 3 chính sách đặc thù thực hiện chế độ đối với người có công để tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm, bao gồm: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Nghị quyết quy định nội dung và mức tặng quà của thành phố Hà Nội tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9…