Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".
Các anh hùng liệt sĩ, thương binh "đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi". Họ chiến đấu, hy sinh để Tổ quốc ta độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam, tiếng thơm của họ sẽ mãi mãi lưu truyền trong sử sách.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước".
Tôn vinh và tri ân công lao to lớn đó, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
“Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, đến nay đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh, bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy phẩm chất "Anh bộ đội cụ Hồ", người “Chiến sĩ công an nhân dân”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền trong tổ quốc. Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, nằm trong tổng thể các hoạt động kỷ niệm thiết thực, sâu rộng đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Đây là những đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ; họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường,… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor (Co), Giẻ-Triêng, H’rê, Khmer, Raglai (Rắc-Lây).
Về dự lễ kỷ niệm và gặp mặt có 3 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, vui mừng được chào đón 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác.
Trong đó, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay mẹ đã tròn 107 tuổi; bên cạnh đó có 5 đại biểu tham dự đến nay đã trên 90 tuổi. Hội nghị vô cùng xúc động được đón tiếp Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh là thương binh 4/4 (thương tật 35%), là người đã lần lượt mất đi người chồng, người con của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, ngay cả khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều cương vị khác nhau, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Điển hình khác là Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%, hiện cư trú tại thành phố Hà Nội. Nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ làm quân địch khiếp sợ. Khi về hưu, ông Nguyễn Văn Phiệt là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn. Ông Nguyễn Văn Phiệt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 9/1973.
Dịp này, hội nghị cũng được đón tiếp và gặp mặt đại biểu Byan, sinh năm 1931, người dân tộc Ba Na, là người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến đã nhiều lần bị địch bắt tù đày, giam cầm và tra tẫn dã man tại các nhà tù khác nhau như Pleiku, Phú Quốc nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Mang nặng những di chứng do chiến tranh để lại, nhưng ngày nay, ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương, được nhân dân trong thôn làng suy tôn là già làng uy tín.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.