Đây được coi là những bước đi khởi động mạng mẽ, thiết thực trên hành trình hiện thực hóa ước mơ xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh của Việt Nam.
Một khởi đầu đầy động lực
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu rõ: Điện ảnh là một ngành nghệ thuật trọng điểm, một trong 13 điểm nhấn cần thực hiện khi phát triển công nghiệp văn hóa ở văn hóa. Điện ảnh hiện là ngành đi đầu trong phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là ngành duy nhất đạt vượt mức các kế hoạch đặt ra đến năm 2018, vượt mốc doanh thu 4.000 tỷ trước đại dịch COVID-19.
Điện ảnh Việt Nam được quốc tế đánh giá là có tăng trưởng hàng năm đứng ở nhóm cao của thế giới. Có những tác phẩm điện ảnh Việt Nam ngày xưa mơ ước đạt 100 tỷ doanh thu nhưng hiện nay đã có nhiều phim vượt qua con số này. Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu dẫn chứng về hai phim của Trấn Thành (“Bố già” và “Nhà bà Nữ”), một phim thu được 500 tỷ, một phim vượt mốc 400 tỷ.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ, điện ảnh là một cầu nối gắn bó chặt với hội nhập quốc tế, một hình thái nghệ thuật mà đạt được nhiều kết quả quan trọng nhất khi hội nhập quốc tế. Có thể nói đến Hàn Quốc với trào lưu KPop, thời trang, du lịch... đều có xuất phát điểm từ điện ảnh, họ hướng tới việc đưa diện ảnh ra nước ngoài để tạo sức mạnh mềm quảng bá thương hiệu nội địa. Đây là hướng đi mà hầu hết các nước đều đi theo. Dựa trên hướng đi này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rằng, việc gắn bó thương hiệu điện ảnh của Việt Nam với du lịch là quan trọng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức hội nghị tại Nha Trang, Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 để tạo diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch - điện ảnh Việt Nam trong quá trình phát triển. Đây cũng là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ triển khai trong năm 2023.
Có thể nó rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập đến sự gắn bó giữa hai lĩnh vực này nhằm quảng bá trực tiếp cho các nhãn hiệu hàng hóa, khách sạn, sản phẩm khác của du lịch gắn với điện ảnh. Khách mời là đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch lớn, các cơ quan, bộ ban ngành liên quan, nhà sản xuất phim, ngân hàng, khu resort... sẽ dự hội thảo.
Trong khuôn khổ sự kiện này có Diễn đàn Du lịch - Điện ảnh Việt Nam nhằm thông tin về chính sách mới liên quan đến du lịch, điện ảnh; chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đưa thương hiệu du lịch vào điện ảnh cũng như tác động ngược trở lại của điện ảnh đến du lịch. Ở một diễn đàn khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhãn hàng sẽ trực tiếp làm việc, kiến nghị các chính sách để phát triển thương hiệu du lịch thông qua điện ảnh. Cùng với đó là hoạt động tham quan trải nghiệm điểm đến là các bối cảnh quay phim tại Khánh Hòa; tuần phim, đại nhạc hội...
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới kết hợp một điện ảnh - một trong những ngành phát triển mạnh nhất Việt Nam những năm qua với du lịch. Đây là phương pháp mạnh mẽ nhất nhằm tuyên truyền cho các thương hiệu của Việt Nam trong đó có các thương hiệu về du lịch. Ông cho rằng, dựa trên sự phát triển của điện ảnh cũng như sự lan tỏa của nó với thế giới thì việc kết hợp diện ảnh với du lịch sẽ góp phần tích cực thu hút thêm khách du lịch đến nước ta. Qua phim ảnh, du khách quốc tế sẽ biết đến Việt Nam - một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Nha Trang - Điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mang trong mình những nét đẹp đặc trưng, hội tụ đầy đủ các yếu tố làm nên những bối cảnh điện ảnh ấn tượng khó phai mờ trên những thước phim một thời vang danh của điện ảnh Việt Nam.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Nha Trang đã luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim. Bộ phim “Tự thú trước bình minh” (1979) của Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Kỳ Nam là bộ phim đầu tiên được quay hầu như toàn bộ tại Nha Trang với các diễn viên Thế Anh, Lê Vân, Trần Tiến… Câu chuyện phim tràn đầy cảm xúc trên nền bối cảnh là thành phố Nha Trang tuyệt đẹp đầy chất thơ, miền thùy dương một thời trong lòng du khách.
Tiếp đó, bộ phim “Về nơi gió cát” (1981) của Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Huy Thành, khiến khán giả thật khó quên hình ảnh nghệ sĩ Hương Xuân, Trần Vịnh trên những trảng cát trắng phau ở Cam Ranh.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, có thể thấy rằng, Nha Trang đã là mảnh đất luôn được các nhà làm phim ưu ái dành tình cảm, tâm huyết trong sáng tạo; lưu lại những thước phim vô giá, hình ảnh còn mãi với thời gian về vẻ đẹp của đất, trời, biển, cát và con người. Vịnh biển Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Biển Nha Trang đã tạo nên biết bao những thước phim đẹp ghi đấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả yêu phim, yêu Nha Trang - thành phố miền duyên hải từ những thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ XX.
Thành phố biển Nha Trang nay thêm nhiều resort quyến rũ; đã trở lại màn ảnh với “Đẹp từng centimet” (2009), “Những nụ hôn rực rỡ” (2010), “Mỹ nhân kế” (2013); “Chàng trai năm ấy” (2014)… Những bộ phim hiện đại của thế hệ làm phim trẻ trung, năng động đã góp phần đưa đến cho khán giả hình ảnh một Nha Trang khác biệt.
Hội Điện ảnh Việt Nam đã chọn Nha Trang là nơi trao Giải Cánh diều năm 2022, với chủ đề chính “Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao” đã gây ấn tượng cho công chúng; góp phần kích cầu du lịch, gia tăng gắn kết giữa điện ảnh với du lịch. Từ năm 2023, sự kiện trao Giải Cánh diều sẽ diễn ra tại Nhà hát Đó, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu, phát triển du lịch Nha Trang - Khánh Hòa thông qua điện ảnh. Điều này phù hợp với định hướng trở thành thành phố điện ảnh trong tương lai của Nha Trang - Khánh Hòa…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, mỗi kỳ tổ chức Giải thưởng Cánh diều ở Nha Trang sẽ là một lần hình ảnh thiên nhiên, con người của địa phương được truyền thông, quảng bá rộng rãi ở trong nước, quốc tế. Nha Trang sẽ là nơi hội tụ đông đảo nghệ sỹ tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật, tạo sức ảnh hưởng hỗ trợ địa phương đẩy mạnh quảng bá du lịch...
Tổng cục Du lịch nhận định việc lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện điện ảnh là vô cùng quan trọng, góp phần tạo sức hấp dẫn cho du lịch nước nhà. Chương trình quảng bá của Tổng cục Du lịch nên có phần giới thiệu các hoạt động điện ảnh của Việt Nam và những điểm du lịch có thể gắn với điện ảnh. Việc tổ chức các đoàn farmtrip cho các nhà sản xuất, khảo sát bối cảnh ở Việt Nam trước các hoạt động điện ảnh lớn cũng là một cách hữu ích để quảng bá cho cả du lịch và điện ảnh. Trung bình mỗi du khách vào Việt Nam chi tiêu khoảng 1.000 - 2.000 USD, nhưng các đoàn làm phim có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn, nên ngành Du lịch cần coi đây là đối tượng du khách cần quan tâm và phát huy...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thức được tầm quan trọng của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước; lợi ích từ công nghiệp điện ảnh mang lại và bước đầu có chính sách, đầu tư phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Việc gắn kết giữa điện ảnh với du lịch bước đầu ở Khánh Hòa sẽ là bước tạo đà khởi động nhằm tiến tới tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần vào việc phát triển điện ảnh và du lịch quốc gia trong tương lai...